Thời sự

Ba đặc khu kinh tế ra đời, đất nước lợi gì?

17/04/2018, 06:19

Ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong ra đời sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước?

11

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong ra đời sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước? Đó là vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra khi thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/4.

1 triệu tỷ đồng đầu tư lấy từ đâu?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mục tiêu chính của việc lập ba đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy lợi thế so sánh của từng khu vực để tạo ra sự phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, việc xử lý các vấn đề kinh tế cũng như hiệu quả ra sao lại chưa được làm rõ trong báo cáo giải trình, tiếp thu. “Đã là kinh tế thì hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi mà cơ quan soạn thảo, Chính phủ phải trả lời là ba đặc khu này ra đời sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta phải bỏ ra cái gì, thu được cái gì?”, ông Hiển đặt vấn đề.

Giải trình làm rõ các ý kiến, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là luật khó nhưng đã được nghiên cứu hết sức bài bản. Ông Dũng cũng khẳng định nguyên tắc Nhà nước bỏ vốn mồi chứ không tạo gánh nặng cho ngân sách. Thừa nhận chính sách ưu đãi không phải quyết định mà môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thủ tục gọn nhẹ, đảm bảo tính cạnh tranh mới là quan trọng, ông Dũng cho rằng, luật định hướng và cam kết Nhà nước đảm bảo về môi trường đầu tư. Cho biết quá trình tiếp thu cũng giảm thiểu ưu đãi theo hướng chỉ ưu đãi một số ngành nghề ưu tiên và trong thời gian nhất định, nhưng ông Dũng đề nghị không thu hẹp nữa vì sẽ mất tính vượt trội, đột phá.

Dẫn thông tin cho biết, trong ngắn hạn cần tới hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho 3 đặc khu, trong đó, ngân sách bỏ ra cũng đáng kể, chưa tính các chính sách ưu đãi như ưu đãi thuế thực chất cũng là tiền ngân sách, ông Hiển cho rằng, cần tính toán kỹ xem nguồn lực thế nào, chưa chỉ ra được nguồn thì rất khó.

Về quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với các dự án đặc biệt, ông Hiển cho rằng, phải quy định rõ thế nào là đặc biệt, để tránh tình trạng quy định đặc biệt sau này lại trở thành phổ biến. “Chính sách miễn giảm tiền đất như thế nào cần phải tính kỹ, hiện nay Phú Quốc, Vân Đồn đều đang sốt đất. Tôi không đồng tình chính sách miễn giảm tối đa, miễn giảm tràn lan, trong điều kiện thị trường đang “nóng” thế này”, ông Hiển nêu ý kiến và cho rằng không nên miễn thuế thu nhập cá nhân và đề nghị đánh thuế môi trường cao tại các đặc khu.

Cũng đề cập đến nguồn lực đầu tư vào các đặc khu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, phần lớn là thu hút đầu tư chứ không phải từ ngân sách. Thế nhưng nếu thành lập 3 đặc khu cần trên 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách đầu tư phát triển cả nước 5 năm có 2 triệu tỷ đồng thì làm sao đầu tư vào các đặc khu đến 1 triệu tỷ đồng? Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục đích cuối cùng là đặc khu kinh tế thành lập phải được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì. Vì thế, cần rà soát kỹ các quy định.

Cần bộ máy tinh gọn

Quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy ở các đặc khu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, muốn quản lý vượt trội bộ máy phải thiết kế có chất lượng. Ông đồng tình với phương án chỉ có một văn phòng giúp việc chung cho HĐND và UBND, nhưng băn khoăn khi chưa rõ chất lượng đội ngũ cán bộ, bộ máy giúp việc cụ thể thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn khi dự thảo quy định có HĐND hoạt động với đa số đại biểu chuyên trách, nhưng lại không quy định có thường trực HĐND, không có các ban chuyên trách. Vậy khi UBND trình các đề án, tờ trình thì quy trình xử lý thế nào? Cũng theo ông Thanh, dự thảo quy định chủ tịch UBND có nhiều quyền, nhưng quyền với cấp phó thế nào chưa rõ, khi mà phó chủ tịch UBND do HĐND bầu và chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn. “Nếu trưởng đặc khu không có quyền, không điều hành được cấp phó thì rất khó làm việc”, ông Thanh phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, về mô hình chính quyền địa phương hiện nay đã cơ bản thống nhất, có cả HĐND và UBND.  Đặc điểm lớn nhất là mô hình gọn nhẹ, HĐND không quá 15 người, hoạt động chuyên trách, UBND chỉ có 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Dự thảo mới cũng bỏ quy định về hội đồng tư vấn đặc khu, bởi đã có HĐND rồi nên không quy định hội đồng tư vấn làm gì nữa.

Nhắc đến vấn đề đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kể lại câu chuyện nhà đầu tư Hàn Quốc nói rằng, họ không “say mê” với các chính sách ưu đãi mà cần môi trường đầu tư hơn. Vì thế, theo bà Phóng, cần đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Môi trường đầu tư không chỉ là thủ tục hành chính mà còn liên quan đến trách nhiệm, phong cách của các cán bộ làm việc tại đặc khu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.