Bị cáo Hứa Thị Phấn |
Sau hơn 20 ngày xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thất thoát gần 6.400 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín (hiện nay là Ngân hàng Xây Dựng - CB), chiều 31/5, TAND TP.HCM đã tuyên bị cáo Phấn mức hình phạt kịch khung 30 năm tù (20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm; 20 năm tù về tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù).
Ngoài ra, HĐXX còn buộc bà Phấn phải bồi hoàn tổng cộng hơn 15.691 tỷ đồng cho ngân hàng. Riêng 114 tài sản là bất động sản của bà Phấn liên quan tới chuyển giao cho ông Phạm Công Danh tiếp tục kê biên để xem xét trong giai đoạn sau.
HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan 13 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm và 15 năm tù về Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 28 năm tù. Bị cáo Ngô Kim Huệ 7 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm, 3 năm tù tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 10 năm tù.
Về tội Cố ý làm trái, bị cáo Hoàng Văn Toàn 7 năm tù, bị cáo Trần Sơn Nam 6 năm tù, bị cáo Nguyễn Công Tụ 5 năm tù. Bị cáo Lâm Kim Dũng tội Lạm dụng tín nhiệm 6 năm tù, bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu 3 năm tù cho hưởng án treo...
Về dân sự, HĐXX cho rằng, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận số tiền 3.936 tỷ đồng nên Phương Trang chịu trách nhiệm trả số tiền gốc này cùng số tiền lãi tương ứng đến ngày 12/2/2012, tổng cộng số tiền 4.784 tỷ đồng. Ngoài ra, Phương Trang phải chịu tiền lãi trên số dư nợ gốc tính đến ngày 9/9/2016 (ngày khởi tố vụ án) trên số tiền gốc là 1.622 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền này là 6.406 tỷ đồng. Sau khi Phương Trang trả nợ đến đâu thì ngân hàng giải chấp tài sản đến đó.
Đối với những thiệt hại về việc bị kê khống nợ trong suốt 6 năm, trên cơ sở đủ căn cứ, Phương Trang có quyền kiện CB ở một vụ kiện khác.
Trước bản án này, tại phiên xét xử phúc thẩm đại án OceanBank vào ngày 4/5 vừa qua, bà Phấn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù. Theo Điều 56 BLHS, quy định Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án ghi rõ: Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Như vậy, tổng cộng các bản án của bà Phấn kịch khung cũng không quá 30 năm tù.
Luật sư của bà Phấn cho biết, theo bệnh án thì bà này “gần như sống thực vật”. Vì lý do này, bị cáo Phấn luôn vắng mặt tại các phiên xử, thậm chí đến nay CQĐT không thể lấy được lời khai của bị cáo.
Vấn đề này, luật sư Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng văn phòng luật Hasslaws cho rằng, việc hoãn chấp hành hình phạt tù theo Điều 67 chỉ rơi vào trong 4 trường hợp: Thứ nhất, bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe hồi phục. Thứ hai, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Thứ ba, là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm; Thứ tư, bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 1 năm.
Như vậy, trong vụ án này, bị cáo Ngô Kim Huệ và Bùi Thị Kim Loan đang nuôi con nhỏ nên được hoãn tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Trường hợp bà Phấn bị bệnh nặng có được “hoãn” thi hành án hay không, luật sư Hiếu phân tích: Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người bị bệnh nặng đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh. Tuy nhiên, những kết luận bệnh này phải do bệnh viện cấp tỉnh trở lên kết luận. Hoặc, bệnh nặng được áp dụng theo Thông tư liên tịch 03/2013 VKSNDTC-BQP-BYT.
Trường hợp bà Phấn có thể vì có lý do sức khỏe để xin hoãn chấp hành hình phạt cho tới khi sức khoẻ phục hồi. “Ngay cả khi bà Phấn có kháng án bản án 30 năm tù lần này, thì bản án 17 năm tù tại OceanBank đã có hiệu lực. Bởi vậy nếu sức khoẻ bà Phấn khá lên, thì cơ quan thi hành án phải yêu cầu bà Phấn thi hành bản án này”, luật sư Hiếu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận