Theo hãng CNN ngày 6/3, giới chức Mỹ đã xác định 3 vấn đề Washington có thể thực hiện để kiềm chế xung đột Nga - Ukraine gồm: cấm nhập khẩu dầu từ Nga, xem xét khả năng Nga phạm tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự tại Ukraine và hỗ trợ Ba Lan viện trợ chiến cơ cho Ukraine.
Cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang thảo luận với các đối tác và đồng minh châu Âu về khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.
Ông Blinken cho hay cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với các cố vấn hàng đầu trong chính quyền về khả năng ban lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã gây áp lực lên chính quyền của ông Biden, kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề hơn lên lĩnh vực năng lượng của Nga với lý do động thái này có tác động mạnh hơn tới kinh tế Nga so với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đã áp dụng liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Lượng dầu xuất khẩu từ Nga sang Mỹ chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng dầu xuất khẩu của quốc gia này và đang có xu hướng giảm đáng kể trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên lĩnh vực năng lượng của Nga vẫn được coi là bước đi quan trọng trong bối cảnh Mỹ và phương Tây hiện chưa áp đặt nhiều hạn chế lên lĩnh vực này. Đến nay, Mỹ mới cấm xuất khẩu thiết bị trong công nghiệp sản xuất khí đốt, dầu mỏ cho Nga.
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ hàng đầu của Mỹ như Thượng nghị sĩ Dick Durbin, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng lên tiếng ủng hộ việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng đang xem xét tác động với giá khí đốt nội địa tại Mỹ trong trường hợp áp đặt lệnh trừng phạt lên lĩnh vực năng lượng của Nga.
Ngày 6/3, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực tăng sản xuất khí đốt và dầu mỏ, tập trung phát triển các công nghệ năng lượng sạch để giảm phụ thuộc vào hoạt động mua bán nhiên liệu hóa thạch trên thị trường quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Cecilia Rouse nhấn mạnh, tuy Mỹ đang cân nhắc nhiều lựa chọn bao gồm cắt giảm tiêu thụ năng lượng từ Nga nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo duy trì nguồn cung năng lượng ổn định trên toàn cầu.
Ngày 6/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khu vực này đang xem xét các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ từ Nga. Bà von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu đang xây dựng kế hoạch chiến lược để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Thu thập chứng cứ về tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraine
Vấn đề thứ 2 giới chức Mỹ đang thảo luận đó là tìm hiểu và đánh giá khả năng Nga gây tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ đang hợp tác với các đối tác để thu thập và cung cấp thông tin về vấn đề này. Theo bà Thomas-Greenfield, bất cứ hành vi tấn công nào nhằm vào dân thường đều là tội ác chiến tranh.
Binh sĩ Ukraine hỗ trợ sơ tán người dân
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine đến nay, cả Ngoại trưởng Mỹ và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều cho rằng, khả năng có mục tiêu dân thường bị nhắm đến nhưng chưa thể đưa ra được bằng chứng xác thực.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định những gì đang xảy ra tại Ukraine là tội ác chiến tranh và kêu gọi tòa án quốc tế điều tra.
Về phần Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Bộ Quốc phòng nước này luôn nhấn mạnh, Nga chỉ nhắm tới các mục tiêu quân sự tại Ukraine, không nhắm tới mục tiêu dân thường. Đồng thời, trong vòng đàm phán thứ 2, cả phái đoàn Nga và Ukraine đã đồng thuận tạm thời ngừng bắn, mở hành lang để người dân hai thành phố đang bị vây hãm, sơ tán.
Hỗ trợ chuyển giao máy bay chiến đấu của Ba Lan cho Ukraine
Hãng CNN đưa tin, giới chức Mỹ và Ba Lan đang thảo luận về khả năng Ba Lan chuyển giao máy bay từ thời Liên Xô cho Ukraine. Đổi lại, Mỹ có thể “bù đắp” tiêm kích F-16 cho Ba Lan.
Bà Thomas-Greenfield cho biết Mỹ “không phản đối Chính phủ Ba Lan hỗ trợ các loại máy bay này cho Ukraine”. Song theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: "Washington muốn đánh giá xem liệu có thể làm gì để đảm bảo có trang thiết bị khác được chuyển tới, bù đắp khoảng trống an ninh mà những phương tiện Ba Lan cung cấp cho Ukraine để lại".
Máy bay MiG-29 của Ba Lan
Tuy nhiên, ngày 7/3, Văn phòng Thủ tướng Ba Lan có thông báo cho biết, những thông tin từ truyền thông Mỹ cho rằng Ba Lan có thể gửi chiến đấu cơ sang Ukraine là giả.
"Ba Lan sẽ không gửi chiến đấu cơ của mình sang Ukraine cũng như không cho phép sử dụng không phận của mình. Chúng tôi hỗ trợ đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác”, theo nội dung thông báo.
Trước đó, trong cuộc hội đàm trực tuyến với các nghị sĩ Mỹ ngày 5/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ông Zelensky khẩn thiết đề nghị Mỹ và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập vùng cấm bay tại không phận Ukraine cũng như kêu gọi Mỹ hỗ trợ chuyển giao máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô từ các nước đông Âu cho Ukraine để hỗ trợ khả năng phòng thủ của nước này trước chiến dịch quân sự của Nga.
Song đề nghị thiết lập vùng cấm bay đã bị phía Mỹ và phương Tây bác bỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận