Theo bác sĩ Nhi khoa hướng dẫn cách chăm sóc trẻ thủy đậu, kiêng cữ tắm giặt là sai lầm |
Theo TS. BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm, chăm sóc chu đáo và điều trị kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não. Trước tình hình bệnh thủy đậu "vào mùa", bác sĩ Nhi khoa hướng dẫn cách chăm sóc con mắc bệnh này cho các bà mẹ.
Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Quần áo mặc cho trẻ nên lựa chọn loại vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Bàn tay cho trẻ luôn phải được giữ gìn thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt lưu ý những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Với trẻ nổi nốt thủy đậu, cha mẹ cần tránh làm vỡ vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài. Trẻ cần được nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa cũng cần được sử dụng riêng. Nhiều cha mẹ kiêng kỹ cả tắm giặt cho trẻ mắc thủy đậu, đó là sai lầm. Trẻ cần được vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch...
Trong quá trình điều trị nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.
Khi trẻ mắc thủy đậu hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên lưu ý khi thấy trẻ có các dấu hiệu khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận