Gõ cụm từ “Nguyễn Hữu Linh” trên trang tìm kiếm Google, lập tức hiện ra một loạt gợi ý: “Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái”; “Nguyễn Hữu Linh thang máy”; “Nguyễn Hữu Linh Đà Nẵng”… Đặc biệt, ngày 17/4, cựu lãnh đạo VKSND Đà Nẵng đã được “bêu danh” trên từ điển bách khoa mở Wikipedia về hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy!
Không dừng ở không gian mạng, hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh kèm thông điệp chống ấu dâm bắt đầu phủ sóng nhiều chốn công cộng ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng trong một số sảnh toà nhà, trên ôtô, xe máy, gốc cây, thậm chí cả… thùng rác!
Không hẹn mà gặp, cũng những ngày cuối tuần, câu chuyện Đỗ Mạnh Hùng “cưỡng hôn bị phạt 200.000 đồng” bất ngờ “nóng” trở lại. Bắt đầu từ hình ảnh Đỗ Mạnh Hùng xuất hiện trong thang máy một chung cư tại Hà Nội, cộng đồng lập tức cập nhật, chia sẻ chóng mặt các tin tức mới nhất ông này.
Theo đó, sau vụ cưỡng hôn cô gái trong thang máy toà nhà Golden Palm, Đỗ Mạnh Hùng đã phải tìm thuê nhà nơi khác. Nhưng mỗi khi thấy ông Hùng xuất hiện, cư dân toà nhà đã có ý kiến đề nghị BQL chung cư phải nhanh chóng lắp đặt camera trong thang máy, đồng thời tăng cường an ninh khiến ông này một lần nữa phải lặng lẽ rời đi. Không chỉ có vậy, hình ảnh ông Hùng cũng được dán tại không ít thang máy chung cư, thậm chí cả các quán cà phê, nhà hàng với thông điệp: “Chúng tôi từ chối phục vụ người đàn ông này vì có hành vi quấy rối phụ nữ”…
Trước “hình phạt” cộng đồng dành cho hai người đàn ông có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em đó, một số người đã phải thốt lên trên MXH: “Sống vậy khổ nhục quá”, “Thà đi tù còn hơn”…
Tôi cũng từng tự mình đặt câu hỏi, cách cộng đồng “xử án” với Nguyễn Hữu Linh, Đỗ Mạnh Hùng có nghiệt ngã quá không? Sau đây, hai con người ấy còn cơ hội nào để ngẩng mặt với đời, hay chỉ là được sống an yên, bình lặng? Rồi còn gia đình, con cái họ, cháu chắt họ, người thân của họ làm sao để đi qua sự ê chề, tủi hổ?
Nhưng khi đặt mình vào trong đám đông, nhất là trong cách thức ứng xử của cả cơ quan thực thi pháp luật lẫn chính người gây ra vụ việc tôi thấy phản ứng của cộng đồng không hẳn thái quá.
Tôi tin rằng, ngay sau sự việc xảy ra, thay vì lảng tránh, cù nhầy đến thách thức dư luận, Đỗ Mạnh Hùng nếu có một lời xin lỗi kịp thời, chân thành, cộng đồng chắc hẳn không giận dữ đến vậy. Tương tự, Nguyễn Hữu Linh cũng chọn cách bao biện trắng trợn khiến dư luận càng thêm căm giận.
Cộng đồng càng bức xúc hơn, với cách thức vụ việc được xử lý sau đó. “Bản án” cưỡng hôn bị phạt 200.000 đồng bị đem ra so sánh với hành vi tiểu bậy bị phạt tới 3 triệu đồng, thậm chí đổi 100 USD trái phép bị phạt tới 90 triệu đồng ở Cần Thơ hồi nào. Một hình phạt như đùa, như thách thức khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Do kẽ hở pháp luật hay còn lý do nào khác?
Sự giận dữ của cộng đồng chỉ lắng xuống phần nào vào ngày cuối tuần chủ nhật 21/4 khi thông tin cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.
Tôi tin rằng, với vụ việc này, không một cán bộ nào, một cơ quan thực thi pháp luật nào dám bao che, bảo vệ, nên việc chậm trễ khởi tố vụ án, khởi tố bị can hẳn có lý do, nhất là khi người vi phạm lại quá tường tận về pháp luật cũng như các kẽ hở để tìm cách gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Và như vậy, chừng nào kẽ hở này vẫn tồn tại, người dân vẫn còn phải lo lắng cho sự an toàn của con em mình. Mặt khác, chừng nào những tên tội phạm tình dục cố tình “lách” kẽ hở để trì hoãn sự trừng phạt, hoặc pháp luật trừng phạt không thích đáng thì chừng đó cộng đồng còn có những hình phạt của riêng mình như đối với trường hợp Nguyễn Hữu Linh, Đỗ Mạnh Hùng những ngày qua. Đó thực sự là những “bản án” thích đáng từ cộng đồng!
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận