Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm trưng bày công khai ở Hội trường Thành ủy TP.HCM năm 2003 - Ảnh tư liệu tác giả Nguyễn Công Thành gửi Báo Giao thông |
Thất lạc cõi người - đó là tên một tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Nhật Bản Tadai Osamu, một cuốn tiểu thuyết về sự vong bản của con người trong xã hội cận hiện đại có quá nhiều giá trị biến động đến chóng mặt. Nhưng nó đang được cư dân mạng dùng để chỉ vụ việc hy hữu vô tiền khoáng hậu của lịch sử đô thị Việt Nam: Vụ mất tích của bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000. Có bản đồ đó, với sự phê duyệt của TP.HCM, Bộ Xây dựng và cấp cao nhất là Chính phủ, các quy hoạch chi tiết mới có cơ sở để thực hiện phần tiếp theo.
Dấu vết chính thức cuối cùng còn nhìn thấy của tấm bản đồ là bức ảnh chụp tại cuộc triển lãm Quy hoạch Thủ Thiêm năm 2003 tại Hội trường Thành ủy. Nó cho thấy người dân đang tò mò, háo hức lẫn băn khoăn nhìn vào tấm bản đồ quy hoạch cỡ lớn treo tại trụ sở cơ quan chính trị cao nhất của thành phố lớn nhất nước.
Theo thông tin báo chí hai ngày nay, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết: Bản đồ không mất, nó chỉ thất lạc đâu đó, sẽ tìm thấy. Nhưng Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Hồng Điệp lại trả lời trên Dân trí khẳng định: “Làm gì có bản đồ mà tìm. Từ năm 2017, Thanh tra đã vào cuộc theo đơn kiện của hàng nghìn hộ dân Thủ Thiêm và kết luận là không có bản đồ quy hoạch nào cả. Không thể nói với người dân khác được”.
Tạm chưa xét đến thuyết âm mưu cho rằng có ai đó, thế lực nào đó cố tình làm thất lạc tấm bản đồ này để phục vụ lợi ích nhóm - ở đây là “phi tang” những quy hoạch chi tiết mà họ vô tình hay cố ý làm sai so với quy hoạch tổng thể, chỉ riêng việc thất lạc bản đồ quy hoạch quan trọng như vậy đã thấy câu chuyện này thật không thể tin nổi.
Ngay ở một thị trấn du lịch nhỏ xíu như Sa Pa, năm 1995, khi rất ít người biết đến nó, tại trụ sở UBND đã treo toàn bộ bản đồ quy hoạch Sa Pa do người Pháp lập từ đầu thế kỷ XX và mỗi lần thăm lại Sa Pa, chúng tôi đều thấy có cập nhật hiện trạng bản đồ quy hoạch.
Tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một căn phòng nhỏ giữa phố cổ Hà Nội, vị Chủ tịch Hội đáng kính 3 nhiệm kỳ liên tiếp là KTS Nguyễn Trực Luyện cho treo kín 4 bức tường là quy hoạch Hà Nội qua các thời kỳ.
Rất nhiều khách sạn nhỏ ở phố cổ: Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, bằng cách nào đó, luôn có những tấm ảnh bản đồ quy hoạch thành phố yêu dấu của mình để trang trí, như một tình yêu giản dị và kiêu hãnh muốn giới thiệu với du khách.
Phải chăng chỉ những người kiến trúc sư, những người làm du lịch, những ông bà chủ khách sạn mini mới yêu cái nơi mình đang sống bằng tình yêu thiết thực giản dị như thế?
Phải chăng TP.HCM và những nhà quy hoạch Thủ Thiêm hơn 20 năm trước chỉ coi việc quy hoạch một khu đô thị mới, khổng lồ, ngụ giữa trái tim thành phố lớn nhất nước như một công đoạn buộc phải làm để thu hút đầu tư, để giãn dân?
Nếu không thì tại sao họ “quên” nhanh thế? Sao họ để cho 15 nghìn hộ dân Thủ Thiêm kêu cứu lâu thế? Ra tận Trung ương kêu cứu mà không ai lên tiếng trong từng ấy năm?
Cố gắng không tin vào thuyết âm mưu, tôi vẫn tin tấm bản đồ bị thất lạc thật.
Nhưng thế thì vẫn buồn không kém, vì một công trình trí tuệ tập thể, là tình yêu và trách nhiệm của những trí thức ưu tú nhất, những nhà lãnh đạo năng động và tận tâm nhất, lại “thất lạc cõi người” một cách cười ra nước mắt vậy sao?
Tôi cứ tự hỏi: Bảo quản một tấm bản đồ là xương máu, là sinh kế của hàng vạn người dân không xong thì TP.HCM bước vào kỷ nguyên 4.0 với “vai vế” một thành phố thông minh đầu tiên của cả nước bằng cách nào?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận