Nhiều người lo lắng nếu áp dụng xét tuyển tập trung trong năm 2016, các trường sẽ không đủ chỉ tiêu (Ảnh minh họa) |
Các trường có thể không tuyển đủ chỉ tiêu
Liên quan đến phương án các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển tập trung mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, nhiều chuyên gia về giáo dục đã bày tỏ những băn khoăn, lo lắng.
Trả lời báo Dân trí, ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, ông đồng ý với quan điểm của Bộ GD&ĐT là xét tuyển theo hình thức tập trung là giảm được thí sinh “ảo” nhưng băn khoăn về một điều chắc Bộ chưa tính đến tình trạng là hầu hết các trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu đã được Bộ phê duyệt.
Lý giải về băn khoăn của mình, ông Sơn cho biết: "Bởi vì nếu tự tổ chức xét tuyển, khi có tình trạng có một số các ngành, chuyên ngành không có hoặc ít thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu sang ngành, chuyên ngành có nhiều thí sinh đăng ký. Điều này vừa đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành, chuyên ngành đào tạo. Hơn nữa, việc điều chỉnh như vậy tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhà trường cũng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của các ngành, chuyên ngành trong quá trình xét tuyển sẽ không thể thực hiện nếu xét tuyển tập trung".
Vi phạm Luật Giáo dục và quyền lợi của thí sinh?
Trả lời tờ Zing news, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho rằng, phương án xét tuyển tập trung của Bộ GD&ĐT phạm Luật Giáo dục Đại học bởi xét tuyển là việc của các trường. Về nguyên tắc, thí sinh đăng ký xét tuyển ở các trường. Tuy nhiên, trường hợp không tham gia xét tuyển chung, Bộ GD&ĐT không cung cấp dữ liệu điểm thi, các trường không thể xét tuyển được. Vì vậy, Đại học Cần Thơ bắt buộc phải thực hiện theo.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM lại bảy tỏ băn khoăn về việc xảy ra sự vi phạm quyền lợi của thí sinh nếu xét tuyển chung.
“Năm trước thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT với 4 nguyện vọng nhưng chỉ vào một trường, như vậy có thể nói thí sinh đã nộp hồ sơ tức là thí sinh của trường mình, không được NV1 thì xuống NV2, NV3… Nhưng năm nay thí sinh được ĐKXT vào hai trường, tức là nếu trúng tuyển cả hai, các em có thể lựa chọn vào học trường này hoặc trường kia ở phút chót tùy thuộc mong muốn và điều kiện gia đình.
Tôi không hiểu nếu xét tuyển chung Bộ giải quyết việc này như thế nào, vì việc chọn trường là quyền lợi của thí sinh, không chỉ đơn thuần là trúng nguyện vọng này rồi thì gạt bỏ các nguyện vọng khác..." - ông Hùng chia sẻ trên tờ Vietnamnet.
Bộ GD&ĐT không nên “ôm đồm”
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương cho rằng, năm 2015, Bộ GD&ĐT giữ toàn bộ dữ liệu điểm thi nên việc tra cứu bị tắc nghẽn, vì thế Bộ GD&ĐT không nên “ôm đồm” tất cả, ngay cả trong việc xét tuyển.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, việc xét tuyển cần giao tự chủ cho các trường. Hơn nữa, việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung còn phụ thuộc khâu bảo mật. Liệu Bộ GD&ĐT có đảm bảo sự bảo mật tuyệt đối?
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho rằng, GDĐT luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là các kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, những thay đổi, điều chỉnh đều phải được đưa ra từ đầu năm học để thí sinh và các trường chuẩn bị.
“Việc sử dụng kết quả và cách thức xét tuyển như thế nào là quyền của các trường mới phù hợp với luật, còn bắt tất cả theo một cách áp đặt là trái với quy định của Luật Giáo dục đại học” - TS Lê Viết Khuyết nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận