Xã hội

Băn khoăn về quyền huy động, trưng dụng phương tiện của CSGT

12/10/2016, 13:39
image

CSGT có quyền huy động, trưng dụng phương tiện trong những trường hợp cấp bách, nhưng để áp dụng vẫn còn nhiều băn khoăn.

csgt_CZRA-1

CSGT có quyền huy động, trưng dụng phương tiện của người tham gia giao thông trong một số trường hợp cấp bách.

Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của CSGT đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Trong đó, điểm d Khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Thông tư có quy định về quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như sau: "Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ chạy, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy… thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu. Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định”. 

Có thể thấy Dự thảo đã có sự khác biệt so với Khoản 6 điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 4/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông vốn gặp nhiều tranh cãi là cảnh sát giao thông “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai... (Lưu ý, theo Điều 32 Hiến pháp 2013 thì việc trưng dụng tài sản có bồi thường theo giá thị trường).

Việc trưng dụng tài sản (trong đó có phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác) phải được thực hiện dựa trên các điều kiện, nguyên tắc theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. 

Điều 24 Luật này cũng quy định rõ chỉ những người có thẩm quyền trưng dụng tài sản bao gồm: Bộ trưởng của 7 Bộ (trong đó có Bộ Công an) và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Và những người này không được phép phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản. Quyết định trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp đặc biệt không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng phải có giấy xác nhận. Như vậy, trong ngành công an thì chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an mới là người có thẩm quyền trưng dụng tài sản.

Tôi cho rằng, những trường hợp như Dự thảo đã liệt kê mang tính chất cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, làm sao để Dự thảo mang tính thực tiễn và có thể áp dụng vào trong cuộc sống lại là vấn đề mà tôi rất băn khoăn.

Theo tôi, Dự thảo cần làm rõ ý nghĩa của từ “huy động”, bao gồm đề nghị và yêu cầu. Nếu là đề nghị, thì người được đề nghị rõ ràng có quyền từ chối việc sử dụng tài sản của mình và lực lượng cảnh sát giao thông có thể không kịp làm nhiệm vụ, đảm bảo tính chất cấp bách của sự việc do sự từ chối của người dân (nhưng việc từ chối đưa người bị nạn đi cấp cứu có thể dẫn đến việc cấu thành tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu người bị nạn chết).

Nếu là yêu cầu, thì liệu việc yêu cầu này có phải là “trưng dụng tài sản” như đã nói ở trên hay không? Đặt trường hợp “yêu cầu” theo Dự thảo cũng chính là “trưng dụng tài sản” thì việc chờ có Quyết định (cho dù bằng lời nói) của Bộ trưởng Bộ Công an có đáp ứng được tính cấp bách của sự việc hay không? Còn nếu “yêu cầu” này không đồng nhất với “trưng dụng tài sản” thì việc cảnh sát giao thông có quyền “yêu cầu” người dân phải giao tài sản của mình để sử dụng sẽ là vi hiến (mặc dù phục vụ cho những trường hợp mang tính chất cấp bách).

Ngoài ra, Dự thảo cũng không quy định đến trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cơ quan chức năng làm mất mát, hư hỏng tài sản được huy động của người dân như thế nào?

Vì vậy, tôi cho rằng nếu Dự thảo không làm rõ những vấn đề này thì có thể dẫn đến tình trạng văn bản được ban hành sẽ vênh với Luật và khó thực thi.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.