Thi viết về GTVT

Băng sông, vượt rừng “kéo” đường ra Đất Mũi

12/10/2023, 07:08

Vượt qua thách thức vùng sông nước với cung đường vận chuyển vật liệu đến vài trăm cây số, đường Hồ Chí Minh đã được kéo dài ra tận điểm cực Nam của Tổ quốc.

Con đường này đã giúp người dân vùng Đất Mũi tiếp cận với hệ thống đường bộ quốc gia, thoát cảnh đi lại khó khăn khi phải sống trên một huyện "ốc đảo".

7 năm qua đi kể từ ngày tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi được đưa vào khai thác, song ký ức về hành trình băng sông, vượt rừng, kéo đường ra ốc đảo - đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi chưa khi nào phai mờ trong tâm trí ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó trưởng phòng Điều hành dự án 1, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (thời điểm thi công dự án là Giám đốc điều hành thi công đoạn Km 11+800 - Km20).

Băng sông, vượt rừng “kéo” đường ra Đất Mũi - Ảnh 1.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi khi đi vào khai thác đem lại những hiệu quả đáng kể trong việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.

Phút vỡ òa đón chuyến tàu cát đầu tiên

Trước khi được đầu tư xây dựng đoạn Năm Căn - Đất Mũi và cầu Năm Căn, Ngọc Hiển chỉ là một huyện ốc đảo, không có đường ô tô đi đến. Việc đi lại của người dân nơi đây hoàn toàn bằng phương tiện ca nô, xuồng, ghe (vỏ lãi).

Du khách muốn đến tham quan du lịch Đất Mũi bắt buộc phải đi bằng phương tiện thủy từ bến tàu Năm Căn đến Đất Mũi với chiều dài khoảng 50km đường sông. Thời gian di chuyển có lúc đến gần 2 giờ.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi có tổng chiều dài gần 59km. Điểm đầu dự án tại Km2297 - QL1A thuộc địa phận thị trấn Năm Căn và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường 7,5m, bề rộng mặt đường 6m. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.900 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.

Thực trạng đó đặt ra vấn đề cấp thiết cần đầu tư một tuyến đường bộ, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế.

Tuyến đường Năm Căn - Đất Mũi được xây dựng hoàn toàn mới trên nền đất yếu khi đi qua các vuông tôm, rừng đước và rừng ngập mặn. Giai đoạn đầu thi công, thiết bị phải đứng trên một sà lan đào gốc, rễ cây, nạo vét, san phẳng, rải vải địa, đắp đất bờ bao hai bên, sau đó đổ cát nền đường lu lèn.

Nhận định với tổng chiều dài tuyến hơn 50km, nếu thực hiện theo phương pháp đắp lấn sẽ rất mất thời gian, giải pháp đặt ra là 27 gói thầu thuộc dự án phải thi công đồng loạt (cứ 5km/gói thầu) để đẩy nhanh tiến độ.

Ngặt nỗi, dự án được triển khai trong bối cảnh địa phương không có nguồn vật liệu, đường vận chuyển tiếp cận công trường lại không có do đây là tuyến đường làm mới hoàn toàn. Việc lấy vật liệu từ các tỉnh lân cận phải sử dụng phương tiện thủy với chiều dài vận chuyển từ 300 - 500km đường sông.

Từ những khó khăn về địa hình mà các nhà cung cấp vật tư đẩy giá tăng cao, từ chối cung cấp ở những vị trí có tuyến kênh sông nhỏ hẹp, nước cạn thường xuyên.

Trước tình hình đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc họp xúc tiến với các nhà cung cấp vật tư, vật liệu để tìm giải pháp.

Căng nhất là thời điểm sau 6 tháng khởi công, nhiều gói thầu chưa được tiếp nhận một tàu cát nào vào công địa. Đầu óc rối bời, ruột gan như lửa đốt, cứ mỗi buổi họp, các đơn vị bảo cát chuẩn bị về, anh em ban điều hành dự án lại ra sông Cửa Lớn ngóng trông rồi vỡ oà như bắt được vàng ở thời điểm nhận cuộc gọi chuyến tàu cát đầu tiên chuẩn bị cập bến.

Cân não kiểm soát mức đầu tư

Khởi công xây dựng không được bao lâu (2008), đến tháng 3/2011, "tin sét đánh" bất ngờ đến khi dự án Năm Căn - Đất Mũi thuộc diện tạm dừng giãn theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Lúc này, nhiều gói thầu của dự án mới triển khai được 10 - 20% giá trị hợp đồng.

Ba năm sau (tháng 3/2014), dự án được tái khởi động. Sau khoảng thời gian dừng giãn, chi phí xây dựng tăng cao, yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để khống chế tình trạng vượt tổng mức.

Điển hình là việc chuyển cọc khoan nhồi ở các công trình cầu sang cọc đóng ly tâm dự ứng lực. Dự án đường Hồ Chí Minh trở thành một trong những dự án đầu tiên của Bộ GTVT ứng dụng công nghệ này. Việc ứng dụng thành công sau đó đã tạo tiền đề cơ sở kỹ thuật thi công công trình giao thông của các tỉnh phía Nam ở thời gian kế tiếp.

Đảm bảo đủ vốn được bố trí trong tổng mức khi tái khởi động dự án, Ban QLDA cũng lặn lội cùng địa phương rà soát lại tĩnh không các công trình cầu, cống cho phù hợp với thực tế mà vẫn đảm bảo việc đi lại.

Kết quả sau rà soát, có 2 cầu không thi công, chuyển thành cống, 7 cầu hạ tĩnh không, bỏ không thi công 23 cống các loại. Nhờ việc triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, đến thời điểm hoàn thành, dự án Năm Căn - Đất Mũi vẫn cơ bản bảo toàn được tổng mức đầu tư theo phương án được duyệt.

Thần tốc xử lý sự cố bất ngờ

Việc dừng giãn tiến độ thi công hơn 3 năm ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thầu. Sau thời gian tái khởi động, một số nhà thầu khó khăn về tài chính không đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai thi công tiếp hoặc thi công cầm chừng, chậm tiến độ.

Không để dự án trượt tiến độ, Ban đã báo cáo và được Bộ GTVT cho phép điều chuyển khối lượng từ nhà thầu yếu sang cho nhà thầu mạnh của dự án.

Những giải pháp quyết liệt đã tạo nên khí thế sôi nổi. Hiện diện trên đại công trường dự án với 27 gói thầu khi ấy là khoảng 3.000 công nhân, các tàu trọng tải 300 - 500 tấn vận chuyển vật liệu chạy tấp nập trên các tuyến sông.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch tiến độ đề ra, các phong trào thi đua liên tục được phát động. Thi đua chinh phục các mốc tiến độ, dự án cũng đôi lần đối diện tình huống "thót tim". Đó là thời gian phát động thông tuyến trên nền cát với nhiệm vụ đảm bảo ô tô của đoàn xe của lãnh đạo Bộ GTVT đi kiểm tra dự án đến được Rạch Gốc.

Tôi đã trực tiếp chỉ đạo nhà thầu thi công gói 6 - ACC thi công xuyên đêm 600m hợp long với gói thầu số 7, đoạn có địa hình, địa chất phức tạp. Mục tiêu đặt ra là bằng mọi giá thông tuyến được vào 8h sáng 6/12/2015 để đoàn công tác của lãnh đạo Bộ có thể đi qua.

Tôi và đồng chí Nam chỉ huy trưởng gói 6 trực tiếp có mặt trên công trường để chỉ đạo, điều hành thi công để tuyến có thể thông trước 4h sáng như kế hoạch.

Thế nhưng, thời điểm công việc gần đến đích thì xảy ra hiện tượng bị lún sụt khoảng 50m do phía dưới gặp túi bùn. Tại thời điểm này, nhà thầu lại vừa hết cát đắp nền.

Bình tĩnh phân tích, xác định nguyên nhân, rà soát lại nguồn vật tư của các gói thầu bên cạnh, tôi đã chỉ đạo huy động các nguồn vật tư, thiết bị các gói thầu bên cạnh hỗ trợ thi công xử lý kịp thời. Sau 4 giờ thần tốc, sự cố đã được xử lý.

Đến với Năm Căn - Đất Mũi, kỷ niệm với "cánh công nhân" còn là công trường bủa vây bởi "rừng muỗi".

Đặc thù công trường đi qua những cánh rừng ngập mặn, muỗi nhiều vô kể. Nhất là lúc chập tối, mặt trời lặn, anh em công nhân ăn ở tại lán trại công trường phải nhanh chóng tắm giặt, ăn uống để lên giường quây màn. Người nào chậm nhịp là phải mắc màn ăn cơm vì muỗi quá nhiều.

Tạo đà cho du lịch địa phương phát triển

Thách thức là rất lớn, song sau khoảng 2 năm tái khởi động, dự án Năm Căn - Đất Mũi đã được về đích theo đúng tiến độ yêu cầu.

Dự án đã đem lại những hiệu quả đáng kể trong việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương, phá bỏ thế ốc đảo đối với huyện Ngọc Hiển, giúp người dân tiếp cận được với hệ thống giao thông đường bộ quốc gia.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tuyến đường được đưa vào khai thác, lượng thuyền, ghe trên các tuyến sông đã giảm hơn 80%. Các em học sinh hầu hết không phải đến trường bằng thuyền, ghe, không phải đối diện với nguy cơ mất an toàn trong những ngày mưa gió, tố lốc.

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, góp phần nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), tuyến đường Năm Căn - Đất Mũi còn tạo đà phát triển ngành du lịch địa phương. Nếu trước đây, lượng du khách về Đất Mũi chỉ khoảng 300 - 500 lượt khách/ngày thì hiện tại, con số này đã tăng lên khoảng 2.000 - 3.000 lượt khách/ngày.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.