Lực lượng an ninh Iraq khống chế một thiếu niên mang bom tự sát ngày 21/8 |
Dù không phải là quá mới mẻ, nhưng việc sử dụng trẻ em để đánh bom tự sát dường như chưa được quan tâm một cách đúng mực cho đến vụ đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters ngày 23/8.
Lơ là cảnh giác
Vụ tấn công hôm thứ thứ bảy vừa qua tại một đám cưới ở Gaziantep khiến 51 người chết, không chỉ là vụ đánh bom đẫm máu nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm tới nay mà còn là lần đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ, khủng bố sử dụng trẻ em để đánh bom.
Rất ít thông tin được đăng tải công khai về thủ phạm vụ đánh bom ở Gaziantep. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng, kẻ đánh bom là một thiếu niên khoảng 12 - 14 tuổi và cho rằng, Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể có liên quan đến vụ việc. Giới chức cũng đang điều tra khả năng các phần tử khủng bố đã cài chất nổ mà cậu bé hay cô bé đó không hề biết, rồi sau đó kích nổ từ xa. Chiến thuật này đã từng được sử dụng ở Iraq trước đây, nơi mà trẻ em hay thậm chí là cả những người lớn khuyết tật đã được sử dụng như những “sứ giả bom” một cách vô thức vào trong các khu chợ và các chốt gác trước khi chúng kích nổ từ xa.
Chỉ chưa đầy 1 ngày sau vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 21/8, lực lượng an ninh ở thành phố Kirkuk (Iraq) bắt được một thiếu niên trên người cài thiết bị nổ nặng 2kg gần một tòa nhà của Bộ Nội vụ. Giới chức an ninh cho biết, cậu bé 16 tuổi, trong khi truyền thông địa phương cho rằng trông cậu trẻ hơn so với tuổi 16. Đó là một người Iraq đến từ Mosul, thành phố lớn nhất vẫn còn bị IS kiểm soát.
Nhà phân tích Hisham al-Hashimi và là người cố vấn cho Chính phủ Iraq về IS cho biết: Trong năm nay, IS và các nhóm phiến quân khác đẩy mạnh việc tuyển mộ trẻ em để bù lại những thiệt hại trên chiến trường ở Iraq và Syria. “Việc tuyển mộ trẻ em cho nhiệm vụ đánh bom tự sát cũng giúp chúng bảo toàn những tay súng trưởng thành hoặc đơn giản là khiến cho lực lượng an ninh lơ là cảnh giác từ đó thực hiện vụ việc trót lọt hơn”, Hisham al-Hashimi nói.
Những con số báo động
Theo Reuters ngày 13/8, ở Iraq hay Syria, IS bắt những trẻ em ở những thành phố mà chúng chiếm được, sau đó tuyên truyền và huấn luyện cho những trẻ em này ở các khu trại của chúng. Juliette Touma, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong khu vực cho biết: “Tuyển mộ trẻ em trong khu vực đang ngày càng gia tăng. Những đứa trẻ này được đào tạo về việc sử dụng vũ khí hạng nặng, đứng gác ở các chốt tại tiền tuyến, bị sử dụng như những kẻ bắn tỉa và trong một số trường hợp là bị sử dụng như những kẻ đánh bom liều chết”.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 2 của Trung tâm Chống khủng bố tại Học viện Quân sự West Point (Mỹ) cho thấy, số vụ đánh bom liều chết sử dụng trẻ em đã tăng gấp 3 lần từ tháng 1/2015 đến năm 2016. Đây là một hình thức hiệu quả của chiến tranh tâm lý với việc chọc thủng hàng rào phòng vệ, gây nỗi sợ hãi trong lòng những binh sỹ của đối phương. Những chiến thuật như thế này phổ biến nhất là ở Tây Phi.
Tại Afghanistan, Taliban sử dụng trẻ em cho các nhiệm vụ đánh bom liều chết từ lâu. Năm 2012, một thiếu niên 14 tuổi đánh bom liều chết vào một căn cứ NATO ở Kabul khiến 6 người thiệt mạng; 2 năm sau, một vụ đánh bom tương tự cũng xảy ra tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Thủ đô của Afghanistan.
Ở Tây Phi, Boko Haram thường chiêu mộ những đứa trẻ mất không nhà hay những bé gái mà chúng bắt cóc được, buộc các em trở thành những kẻ đánh bom. Một bé gái 12 tuổi người Nigeria bị lực lượng an ninh Cameroon bắt giữ hồi tháng 3 năm nay khi đang chuẩn bị thực hiện một vụ đánh bom liều chết, đã khai rằng, cô bé bị nhóm Boko Haram bắt cóc sau khi nhóm này tàn phá làng của mình một năm trước đó.
Giới chức Liên hợp quốc cho biết, có sự gia tăng mạnh các vụ tấn công kiểu như vụ một bé gái 10 tuổi hồi năm ngoái đánh bom liều chết nhằm vào khu chợ đông đúc ở thành phố Maiduguri của Nigeria khiến 16 người thiệt mạng.
Trong báo cáo mới đây, UNICEF cho biết, các vụ tấn công liên quan đến đánh bom liều chết là trẻ em từ năm 2014 đến nay đã tăng gấp 4 lần ở Đông Bắc Nigeria, nơi có căn cứ của nhóm phiến quân Boko Haram. Cũng theo báo cáo của UNICEF, gần 2/3 trong số những trẻ em đánh bom tự sát mà Boko Haram có được đều là bé gái. Chỉ riêng trong nửa đầu năm, nay, có tới 38 vụ trẻ em đánh bom ở Tây Phi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận