Thành phố hiện chỉ có 12 nhà vệ sinh công cộng tại quận 1 là đạt yêu cầu |
Thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) không phải là chuyện bây giờ mới “nóng” ở TP.HCM. Chính vì thế, đề xuất đầu tư 110 tỷ đồng xây 1.000 NVSCC của một DN tư nhân tại đây đã thu hút được sự chú ý lớn của dư luận.
Đỏ mắt tìm nhà vệ sinh công cộng
4 tháng sau đề xuất đầu tư xây dựng 1.000 NVSCC tại TP.HCM của một DN tư nhân, mới có hai nhà vệ sinh được triển khai thí điểm. Phần còn lại hiện vẫn… chờ khảo sát.
Những ngày qua, có mặt tại những địa điểm nổi tiếng mà du khách thường ghé tham quan như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Công viên 30/4 (quận 1), chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3)… PV Báo Giao thông đã chứng kiến “nỗi khổ” vì thiếu nhà vệ sinh của du khách. Không biết đi vệ sinh ở đâu, nhiều người đành nháo nhào chạy vào các trung tâm mua sắm gần nhất như Diamond Plaza trên đường Lê Duẩn, quận 1.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trên địa bàn TP có 208 NVSCC thu phí, trong đó 155 nhà vệ sinh tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Thế nhưng, hầu hết hệ thống này đã cũ, xuống cấp, mất vệ sinh. Chỉ có 11 NVSCC do Sở GTVT phối hợp với một ngân hàng xây dựng chủ yếu ở các công viên tại quận 1 là đạt yêu cầu. |
Trao đổi với chúng tôi, một hướng dẫn viên du lịch cho biết, mỗi lần dẫn khách nước ngoài tham quan những khu vực trên anh và các đồng nghiệp rất lo ngại khi du khách cần “giải quyết”.
“Việc thiếu nhà vệ sinh du khách than phiền rất nhiều và trong các cuộc hội thảo do TP.HCM tổ chức, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh và đã qua hàng chục năm rồi nhưng đến nay vẫn không thay đổi gì lớn. Chuyện nhỏ như cái nhà vệ sinh mà chúng ta loay hoay mãi không làm được thì làm sao thu hút được nhiều du khách quốc tế?”, hướng dẫn viên du lịch này nói.
Tương tự, trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi (nối Q.1 và Q.5), An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ (Q.5) cũng gần như vắng bóng nhà vệ sinh. Hay như đường Nguyễn Hữu Cảnh (nối Q. Bình Thạnh và Q.1) với chiều dài gần 3km cũng chỉ có một NVSCC đặt đằng sau Thảo cầm viên Sài Gòn.
Đặc biệt, dọc hai bên đường Trường Sa, Hoàng Sa chạy dọc ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 10km đi qua 4 quận (quận 1, quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình) nhưng cũng chỉ có hai NVSCC và đều được đặt tại quận 1. Tuyến đường này, du khách tập trung ăn uống khá đông vào buổi tối. Nhiều người “bí” quá đành “xả” đại xuống kênh.
Nghìn cái nhưng mới thí điểm 2 cái
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có cuộc họp với nhà đầu tư đề xuất xây dựng 1.000 NVSCC là Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing. DN này cam kết sẽ tài trợ thêm 10 xe chuyên dụng vận chuyển nước, chất thải và 500 thùng rác công cộng tại thành phố. Đổi lại, nhà đầu tư đề xuất được khai thác các biển quảng cáo trên các cầu vượt, cầu bộ hành trên địa bàn TP trong thời gian 15 năm. Vị trí đề xuất xây dựng các NVSCC bán kiên cố (có thể tháo ráp, di dời dễ dàng và không ảnh hưởng công trình ngầm) là tại các trường học, công viên, vườn hoa, thảo cầm viên, bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm... Toàn bộ nhà vệ sinh được thi công bằng vật liệu nhẹ và chất thải được xử lý đảm bảo.
Với đề xuất trên, UBND TP đã đồng ý cho nhà đầu tư thí điểm trước khi đầu tư rộng rãi. Thành phố cũng đồng ý cho nhà đầu tư thu hồi vốn bằng việc quảng cáo nhưng phải theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, UBND TP đã giao cho Sở chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đề án này. Việc thành phố có nhu cầu xây dựng trên 1.000 NVSCC để phục vụ người dân là phù hợp và cần thiết. Chủ trương xã hội hóa đầu tư NVSCC sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách cho TP. Tuy nhiên, cần phải có khảo sát tổng thể để xác định quy mô đầu tư hợp lý, đồng thời phải có cơ chế phối hợp từ việc đầu tư đến vận hành, quảng cáo.
Theo bà Mỹ, Sở đang chờ các quận, huyện trên địa bàn TP khảo sát các vị trí để thực hiện xây nhà vệ sinh. Vì dự án 1.000 NVSCC đến nay chỉ mới xây thí điểm có hai cái ở khu công viên Khánh Hội, quận 4 mà thôi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận