Trung Quốc từng thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông. |
Tạp chí Mỹ The National Interest hôm 6/6 cho rằng, việc xác lập Vùng Nhận dạng phòng không ADIZ là động thái đã được lường trước của Trung Quốc. Theo đó, các chuyên gia quan sát tình hình Biển Đông cho rằng về việc thiết lập ADIZ tại vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược khai hoang đất đai, cũng như xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng quân sự chỉ là bước đi “một sớm một chiều”.
Quan điểm này được củng cố bởi hai giả thuyết. Thứ nhất, Bắc Kinh sẵn sàng chi ra một khoản tiền “khủng” bởi một khi ADIZ được xác lập, nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc.
Thứ hai, sẽ có thời điểm nào đó, hoặc do hoàn cảnh xô đẩy, hoặc do cái giá mà Trung Quốc mà trả khi các nước trả đũa, hoặc cả hai trường hợp cùng xảy ra, đến lúc đó, ADIZ sẽ phát huy tác dụng với Bắc Kinh.
Từ quan điểm này, có thể thấy tham vọng ngang ngược của Trung Quốc về một ADIZ là vô cùng hấp dẫn khi nó có thể ngăn ngừa hoặc bù đắp khoản lỗ dự kiến của nước này, nếu Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague từ chối “Đường lưỡi bò”, cũng như các khiếu nại hàng hải của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ngoài ra, một báo cáo mới đây dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc khẳng định nước này đang chuẩn bị lập một ADIZ trên vùng biển Đông càng củng cố hơn về dự đoán này.
Vì vậy, việc Trung Quốc cho triển khai ADIZ trên Biển Đông chắc chắn chỉ còn là vấn đề thời gian. Đến đây, một câu hỏi khác lại được đặt ra: Liệu đối thủ nào có thể ngăn Trung Quốc xác lập ADIZ?
Cách đây 2 năm, để phản đối việc Trung Quốc triển khai ADIZ trên Biển Đông, Washington đã điều máy bay ném bom, chiến đấu cơ, tàu chiến và tăng các cuộc tuần tra gần các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ. Là một cường quốc tham gia vào tranh chấp Biển Đông, song vì không phải người trong cuộc nên vai trò của Mỹ cũng bị giới hạn đáng kể.
Theo National Interest, Philippines, Malaysia và Việt Nam đều có thể thiết lập ADIZ riêng của mình để đáp lại Trung Quốc. Phản ứng này có tính chính trị khả thi hơn việc Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự quốc gia và đáp trả bằng hành động pháp lý. Trong đó, một Vùng nhận dạng trên không bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể là mối đe dọa mà Trung Quốc muốn trốn tránh. Trong khi Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận về tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, thì quốc gia này lại phủ nhận bất kỳ tranh chấp nào tại quần đảo Hoàng Sa. Một ADIZ Việt Nam có thể tạo ra quyền quản lí tại Hoàng Sa. Hơn nữa, ADIZ sẽ là cơ sở pháp lý để Việt Nam khẳng định chủ quyền trên quần đảo này.
Những phân tích trên cho thấy, việc xác lập ADIZ của Trung Quốc không hoàn toàn chỉ là vấn đề thời gian, mà chủ yếu phụ thuộc vào sự phản ứng của các nước còn lại.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 5/6, phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ nói, nếu Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, Mỹ sẽ coi đây là “hành động khiêu khích và gây mất ổn định” trong khu vực. Trước đó, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Shangri-La 2016), Trung Quốc từng úp mở khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Video Trung Quốc công khai xây dựng trái phép tại Đá Chữ Thập:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận