Xem - ăn - chơi

Bảo tàng lo “chết yểu” nếu tự chủ tài chính

09/08/2017, 08:21

Tự chủ tài chính là con đường đầy thử thách nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho bảo tàng.

25

89% nguồn thu của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là  từ bán vé

Nhiều khó khăn, thách thức

Trên cả nước hiện có hơn 130 bảo tàng, kể cả bảo tàng của các tỉnh, các bảo tàng chuyên ngành, tư nhân. Tuy nhiên, quá trình tiến tới tự chủ, không ít các bảo tàng gặp phải những khó khăn, thách thức. Ông Châu Phước Hiệp, Phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Bảo tàng duy nhất trong cả nước tự chủ hoàn toàn về tài chính cho biết, đơn vị có nhiều thuận lợi so với các bảo tàng khác nhưng cũng có những khó khăn như: Diện tích bị giới hạn, mặt bằng hạn chế, khách tham quan đông nhưng không thể mở rộng, kết cấu xây dựng không thể nâng cấp. Đây là vấn đề lớn, vượt ngoài khả năng của bảo tàng.

Các bảo tàng trên thế giới tự chủ thế nào?

Tại các bảo tàng lớn trên thế giới như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Hermitage (Nga) cũng đều tự chủ. Trong thực tế, dù lượng khách tham quan ở Bảo tàng Louvre (Pháp) 7 triệu khách/năm, Bảo tàng Hermitage (Nga) 3-4 triệu khách/năm nhưng các hoạt động, nhiệm vụ của bảo tàng là công tác lưu giữ, kiểm kê, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần.

Tại Trung Quốc, Nhà nước đầu tư hoàn toàn chi phí cho các bảo tàng. Các bảo tàng này rất lớn, hiện đại, phong phú, đa dạng, hấp dẫn, tuy nhiên, đều không thu vé khách tham quan. Chỉ có di tích, mới tiến hành thu vé. Nếu có xã hội hóa, chỉ một phần rất nhỏ các hoạt động xung quanh. Và biến bảo tàng thành công viên giải trí văn hóa.

Cùng đó, ông Hiệp chỉ ra, việc bảo tàng chuyển sang tự chủ tài chính toàn phần đã khiến cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức phải thay đổi tư duy cũng như hành động để phục vụ khách tốt hơn. Nguồn thu của bảo tàng hiện nay 89% là thu từ vé tham quan. Nguồn thu này rất bấp bênh vì phụ thuộc vào lượng khách và những yếu tố khách quan khác. Vì vậy bảo tàng mong muốn tìm được nguồn thu căn cơ hơn, không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng phòng Hướng dẫn nghiệp vụ Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) cho biết: Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2016 có 1,2 triệu lượt khách tham quan. Trong đó, có 250.000 khách nước ngoài. Giá vé là 40.000 đồng/khách nước ngoài, còn khách Việt Nam được miễn vé. Số lượng cán bộ, công nhân viên, kể cả lao động hợp đồng là 170 người, nên nguồn thu không đáp ứng các khoản chi. “Trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh có 14 bảo tàng, di tích, từ Pác Bó đến Cần Thơ. Muốn tăng kinh phí hoạt động cho toàn hệ thống rất khó khăn. Bảo tàng Hồ Chí Minh tại các chi nhánh Gia Lai, Kom Tum trực thuộc UBND tỉnh nên không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào để tạo nguồn thu. Tại di tích Pác Bó, giá vé chỉ 2.000 đồng/người. Cho thuê quầy kinh doanh quà lưu niệm 100.000 đồng/tháng, chủ yếu cho người dân địa phương thuê để giữ di tích”, bà Trang nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc điều hành Bảo tàng Áo dài cho biết, Bảo tàng Áo dài mới ra đời được 3,5 năm đã phải đóng cửa gần 1 năm để sửa chữa nên lượng khách rất hạn chế. Tuy có không gian thiên nhiên nhưng lại cách xa khu trung tâm, đường sá đi lại bất tiện. Bà Vân cho hay: “Bảo tàng Áo dài trực thuộc tư nhân nên gặp nhiều khó khăn về vốn, tài chính, cơ chế… Nhân viên chỉ có 10 người không đúng chuyên ngành. Nhằm tiết kiệm chi phí, các nhân viên phải đảm trách nhiều công việc khác nhau, kể cả làm vệ sinh khuôn viên bảo tàng”.

Không thể thụ động hơn nữa

Sau 3 năm tự chủ tài chính, năm 2016, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã thu được gần 18 tỷ đồng tiền vé từ khách tham quan, cùng các dịch vụ. Để có kết quả trên, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết, bảo tàng chú trọng công tác triển lãm tại chỗ với những chủ đề hấp dẫn, mang tính thời sự cao, kết hợp với nhiều hình thức hỗ trợ như giao lưu, trình diễn… nhằm thu hút khách đến tham quan. Ngoài ra, khai thác hiệu quả hoạt động dịch vụ văn hóa phù hợp với chủ đề, chức năng để tăng nguồn thu, hỗ trợ hoạt động quảng bá chuyên môn của bảo tàng; Làm thêm các dịch vụ chuyên môn như: Thực hiện triển lãm, trưng bày nhà truyền thống, xuất bản ấn phẩm… của các đơn vị khác, vừa tăng nguồn thu, vừa nâng cao năng lực tác nghiệp của cán bộ nhân viên, tạo mối quan hệ và nâng tầm thương hiệu cho bảo tàng.

“Tuy nhiên, để các bảo tàng có thể tiến tới quá trình tự chủ rất cần có lộ trình, thời kỳ chuyển tiếp để thích nghi dần với cơ chế tự chủ toàn phần, không gây “sốc” cho lãnh đạo lẫn cán bộ, công nhân viên”, bà Vân nhấn mạnh.

Cách đây gần 3 tháng, lần đầu tiên 16 bảo tàng, di tích trọng điểm thuộc Bộ VH,TT&DL như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội… và TP Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút du khách, du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, bảo tàng là một thiết chế văn hóa, nhưng cũng là sản phẩm văn hóa. Sản phẩm đó phải đáp ứng được mong muốn của công chúng. Sản phẩm tốt, mới xây dựng truyền thông được hình ảnh của bảo tàng, đến gần được với công chúng.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay, mỗi ngày tại Văn Miếu đón khoảng 2.000 khách tham quan. Để hướng tới tự chủ, trung tâm sẽ sắp xếp bộ máy, nhân sự tinh gọn, hiệu quả. Phát triển các dịch vụ tăng nguồn thu. Tăng cường các hoạt động để thu hút du khách tham quan. “Để cho các đơn vị được tự chủ hơn, Nhà nước cần tạo cho các đơn vị được tự chủ về nhân sự, khuyến khích người có năng lực đóng góp, sáng tạo thông qua các công cụ thu nhập, cơ hội phát triển và môi trường làm việc bình đẳng, dân chủ”, ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.