Đây là lần thứ 2 Thủ tướng đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp |
Gần 10.000 người dự đối thoại
Ngày 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp với sự tham gia của gần 10.000 người trong đó có 2.000 doanh nghiệp |
Sáng đối thoại, chiều ban hành chỉ thị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là Hội nghị quy tụ lực lượng doanh nghiệp đông đảo nhất từ trước đến nay. Hội nghị sẽ nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, cùng nhau thảo luận, tìm ra giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào chủ đề chính như nhận diện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động của doanh nghiệp đang nổi cộm hiện nay.
Bên cạnh đó, cần phải có các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Bảo đảm quyền tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, giải quyết triệt để hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra; bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, cơ quan chính quyền các cấp hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; chính sách có rồi thì thực thi thế nào để các cơ quan nhà nước thực sự trở thành người đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên bước đường thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có sự thành công của các doanh nghiệp.
Khẳng định tinh thần của Hội nghị là chân thành, thẳng thắn và trung thực, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ muốn lắng nghe những ý kiến thẳng thắn nhất của các doanh nghiệp.
"Với doanh nhân, thời gian là tiền bạc, tôi rất trân trọng khi các doanh nhân đại diện cho doanh nghiệp đã đến nghe và góp ý với Chính phủ. Đề nghị đại diện các cơ quan nhà nước phát biểu ngắn gọn để dành thời gian cho cộng đồng doanh nghiệp phát biểu", Thủ tướng lưu ý.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, trong chiều cùng ngày, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng để ban hành một chỉ thị quan trọng để Chính phủ thực hiện tốt hơn Nghị quyết 35 đã ban hành, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị. |
Nhiều cán bộ, công chức chưa chịu đổi mới tư duy
Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành tháng 5/2016, đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Riêng năm 2016 đã có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay; hơn 2.600 dự án đầu tư nước ngoài mới, với gần 16 tỷ USD vốn đăng ký, tăng hơn 23% về số dự án so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của WB năm 2016 Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh.
Về một số hạn chế và nguyên nhân, Bộ trưởng Dũng thừa nhận, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, còn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.
Về mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh, việc triển khai đấu thầu qua mạng nhằm công khai minh bạch các dự án mua sắm công, tạo cơ hội tham gia của doanh nghiệp chưa đảm bảo lộ trình theo yêu cầu của Chính phủ; Quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa còn lỏng lẻo; hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng rào kỹ thuật chưa phát huy tác dụng… dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép sản xuất trong nước và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Nhận diện một số nguyên nhân chính, ông Dũng cho hay, do nhận thức của người đứng đầu một số Bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết chưa quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều cán bộ, công chức chưa tự đổi mới tư duy, từ quản lý doanh nghiệp sang lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, chưa theo kịp tinh thần, chủ trương nhà nước kiến tạo; chưa tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về đạo đức công vụ; thậm chí còn định kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn, nhũng nhiễu; một bộ phận công chức có chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc trong vận dụng chính sách; chưa giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp.
Từ những thực trạng ấy, Chính phủ cần tập trung thực hiện ngay các giải pháp như xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; khuyến khích các hộ, cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Về phía Nhà nước, các Bộ ngành khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ; Đẩy nhanh việc rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan để giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ; báo cáo Chính phủ Đề án Luật sửa các luật về thuế để trình Quốc hội. Đặc biệt, cần xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác để xử lý.
Kết quả còn quá nhỏ so với bất cập đã tích tụ nhiều năm
Báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, việc ban hành một Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Sau 1 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 35 được đánh giá là nghị quyết có tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá và do đó nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết với tinh thần trong Chính phủ mới không có chỗ để bàn lùi. Các chuyến đi thị sát tại các địa phương, lắng nghe ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp, chỉ đạo trực tiếp cải cách cơ sở của Thủ tướng và những nỗ lực mở thị trường của Thủ tướng và Chính phủ rất dồn dập.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết 35 là “tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các đánh giá này không phải là cảm tính, mà dựa trên những con số về các kết quả đạt được trên thực tế, thể hiện những bước tiến rõ rệt trong công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm”, ông Lộc nhấn mạnh. Để khắc phục việc này, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm nay, đồng thời nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện và có chế tài để bảo đảm thực thi vì mỗi năm nên có một chỉ thị như vậy.
“Vì Hội nghị lần này diễn ra với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”, chúng tôi đề nghị việc giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp cũng phải trên tinh thần đó. Tránh tình trạng nhiều cơ quan, bộ ngành địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp theo cách chỉ “giải thích mà chẳng giải quyết”, không đi với doanh nghiệp đến cùng để đề xuất, kiến nghị bổ sung sửa đổi các quy định pháp luật đã thấy rõ là không còn phù hợp và không vận dụng các quy định pháp luật theo hướng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp chứ không đẩy khó khăn về doanh nghiệp”, ông Lộc kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận