Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu thảo luận tại hội trường - Ảnh: Đức Anh |
Ngày 13/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đa số ý kiến các ĐBQH đều cho rằng, nếu còn tiếp tục chậm trễ trong việc triển khai dự án này sẽ gây nhiều bất lợi.
Chậm triển khai sẽ nhiều tạo áp lực
Nhấn mạnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án có tầm quan trọng cấp quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, tính đến nay đã gần 12 năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Công Hồng (ĐB tỉnh Đồng Nai) đánh giá, nếu còn tiếp tục chậm trễ sẽ gây nhiều bất lợi. Theo ĐB, gần 12 năm qua, cũng vì dự án này, Đồng Nai đã siết chặt quản lý về đất đai, xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, kinh doanh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, vật chất và tinh thần của 4.864 hộ gia đình với hơn 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức trong vùng dự án vốn đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Chậm trễ triển khai dự án này không những ảnh hưởng đến lợi thế so sánh của sân bay Long Thành mà còn tạo áp lực về an ninh, an toàn hàng không lên sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là chưa kể đến những hệ lụy kéo theo như đội chi phí đền bù GPMB…” Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Công Hồng “Với 18 ý kiến thảo luận tại Hội trường, tất cả các ý kiến này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của các ĐBQH với dân, với dự án. Đa số các ý kiến đều thống nhất cao đây là dự án bức xúc, cấp bách, quan trọng quốc gia cần nhanh chóng triển khai” Bộ trưởng Bộ GTVT |
Dù đồng tình với băn khoăn của các ĐBQH và cho rằng cần cân nhắc hết sức thận trọng, nhưng ông Hồng cũng nhất trí phải xem xét thông qua Báo cáo tại kỳ họp này.
Phát biểu từ góc độ của một người đã gắn bó với Đồng Nai 15 năm với tư cách ĐBQH từ năm 2002, ĐB Dương Trung Quốc đề cập đến những bức xúc trong suốt khoảng thời gian 12 năm chưa thực hiện dự án sân bay Long Thành. Nhắc đến người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân Long Thành, ông Quốc cho hay họ rất mong muốn dự án này được thực hiện vì thời gian chờ đợi đã quá lâu.
Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, “không còn gì phải bàn” về chủ trương. Vấn đề bây giờ chỉ là phải thực hiện ngay và tính toán sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Ông Phong cũng đề cập đến tâm lý của địa phương khi thực hiện công trình trọng điểm quốc gia. “Gần như tỉnh nào cũng có tâm lý nỗi lo. Mừng là vốn T.Ư đầu tư về tỉnh mình thì có nguồn thu, có sinh kế giúp cho tỉnh phát triển. Làm tốt thì được khen một vài câu, nhưng lỡ có hậu quả thì gần như gánh trách nhiệm rất nặng nề”, ông Phong nói và cho rằng nên tạo điều kiện, cơ hội cho Chính phủ năng động trong chỉ đạo, điều hành và cũng để Đồng Nai thực hiện được những quyền theo quy định pháp luật, trên cơ sở đó chúng ta tăng cường giám sát, kiểm tra để hiệu quả dự án mang lại tốt nhất.
ĐB tỉnh An Giang Chau Chắc nhận xét, Báo cáo nghiên cứu khả thi lần này chính là cơ sở điều kiện để thực hiện dự án đúng thời gian, kế hoạch, tiến độ nhằm góp phần xây dựng sân bay đúng thời gian đã đề ra, góp phần phát triển kinh tế, xã hội quốc phòng, an ninh. Theo ĐB, thực hiện đúng tiến độ sẽ khắc phục được hạn chế tiêu cực, nhất là việc liên quan đến sang nhượng đất đai và một số tiêu cực khác mà ĐB Đặng Thuần Phong đã đề cập.
Nhất trí bổ sung vốn từ nguồn dự phòng trung hạn
Liên quan đến việc bố trí vốn cho dự án, Chính phủ trình 2 phương án, trong đó phương án 1 dự kiến bố trí 15.000 tỷ trong số 70.000 nghìn tỷ phân bổ cho đường cao tốc Bắc - Nam (do Chính phủ chỉ đề xuất sử dụng 55 nghìn tỷ) cho những dự án quan trọng cấp bách mà không thể dừng lại được. Phương án thứ hai đề xuất bố trí 17.000 tỷ từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn (phương án đề xuất của Chính phủ). Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Nghị quyết 25, 26 của Quốc hội đã đề ra nguyên tắc chưa sử dụng nguồn lực dự phòng trong thời điểm trước mắt khi chưa cân đối được nguồn lực. “Tuy vậy, để có thể triển khai dự án, tôi nghĩ cũng không có phương án nào tối ưu nhưng chúng ta vẫn phải lựa chọn”, bà Mai nói.
ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nêu quan điểm, tổng mức đầu tư dự án là hơn 23.000 tỷ, trong đó vốn ngân sách bảo đảm 5.000 tỷ đồng. Lượng vốn này chắc chắn không đáp ứng yêu cầu thu hồi đất 1 lần theo Nghị quyết của Quốc hội. Do vậy, ĐB tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện, đồng thời cam kết trả sớm trong điều kiện không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách.
Đồng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, bố trí vốn cho dự án từ vốn đầu tư ngân sách trung hạn tốt hơn là việc lấy 15.000 tỷ đồng từ việc chi cho các dự án trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết 26.
Chậm GPMB, chi phí sẽ đội lên từng ngày
Nhấn mạnh phải thật khẩn trương trong GPMB, ĐB Đặng Thuần Phong đánh giá: “Chỉ ngủ một đêm, sáng dậy, chúng ta thấy có thể có những nấm mồ mới, có những loại cây trồng mới, có những công trình mới, những chuồng trại mới. Hơn nữa, nếu chúng ta không quản lý chặt, dân cư thỏa thuận hợp đồng giá đất sang đổi với nhau mà kê giá lên. Sau này, khi áp giá bình quân sẽ dẫn đến tăng giá thành, đội vốn lên rất nhiều, đặc biệt là dẫn tới những khiếu nại phát sinh, ảnh hưởng tới quá trình đầu tư dự án”.
Về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) tán thành việc xác định công tác chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất cần phải được quan tâm thỏa đáng và đặt ở vị trí quan trọng như việc xem xét quyết định dự án. “Theo khảo sát trong báo cáo nghiên cứu khả thi, số người không làm việc tại các xã, huyện khác trên địa bàn tỉnh chiếm tới 49% trong độ tuổi lao động và được hưởng chính sách như 51% số lao động trực tiếp tại xã. Tôi cho rằng, cần có sự phân loại ưu tiên hơn đối với người lao động trực tiếp tại địa phương, là những người trực tiếp phải chịu thiệt thòi do thu hồi đất của dự án”, ông Đức đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận