Thị trường

Bát nháo bán hàng qua truyền hình: Quảng cáo phóng đại...nhà đài ngó lơ

22/07/2015, 08:13

Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã bị hớ, thậm chí “mắc bẫy” với hàng bán qua truyền hình.

41

Khách hàng mua qua truyền hình không có cơ hội kiểm tra, trải nghiệm sản phẩm như kênh bán hàng truyền thống (Trong ảnh: Khách hàng đang xem xét mua hàng ở một trung tâm thương mại) - Ảnh: Trần Hải

Để bán hàng trên truyền hình, DN phải trả một khoản chi phí không nhỏ, nhưng chỉ cần điều kiện rất đơn giản. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá bán sản phẩm thường rất cao nhưng chất lượng chưa tương xứng.

Giá mua “đất” cắt cổ

Trong vai đại diện của một DN vừa ra sản phẩm mới muốn quảng bá, bán hàng qua TVShopping - VTVCab11 (kênh bán hàng phổ biến nhất hiện nay), liên hệ với bộ phận quảng cáo của đơn vị này, PV Báo Giao thông được một nhân viên tên Thảo phụ trách bán quảng cáo giới thiệu, chào mời nồng nhiệt.

"Khi mua hàng trên truyền hình, khách nên tìm thêm thông tin trên internet về sản phẩm. Khi nhận hàng, cần kiểm tra kỹ tem, nhãn mác trên sản phẩm, giá cả và giấy tờ pháp lý đi kèm. Trong trường hợp hàng nhận được không đúng như giao kết thì người mua có thể từ chối và có quyền khiếu nại, nhờ các cơ quan can thiệp”.

Luật sư Phạm Trung Hiếu
(Công ty Luật TNHH Nam Dương)

Có thể nói, chi phí để có “đất” bán hàng trên truyền hình cao gấp nhiều lần chi phí thuê mặt bằng theo kênh bán hàng truyền thống. Chị Lưu Hải Vân, chủ một thương hiệu thời trang nữ cho biết, chi phí thuê showroom) có diện tích 80 m2 của chị tại phố Tây Sơn (Hà Nội) chỉ là 25 triệu đồng/tháng. Các trung tâm thương mại (TTTM) xa trung tâm TP giá thuê cũng chỉ ở mức 30-40-50 triệu đồng/diện tích từ 80 -120 m2; Trong khi đó, theo báo giá của TVShopping - VTVCab11, mức giá thấp nhất cho thời lượng 3 phút, phát 2 lần/ngày lên tới 42 triệu đồng/tháng. Riêng chi phí sản suất clip cũng tới 13,2 triệu đồng. Mức cao nhất là thời lượng 7 phút, phát bốn lần/ngày, chi phí tới 92,6 triệu đồng/tháng, riêng sản xuất clip hết 17,6 triệu đồng. Nếu phát sóng trong vòng ba tháng thì tổng chi phí lên tới 242,6 triệu đồng! (Các chi phí này đã bao gồm thuế VAT và được trừ chiết khấu 40-50%).

Với chi phí đắt đỏ này, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết giá sản phẩm bán qua kênh truyền hình bị đẩy lên rất cao. Điển hình như Công ty TNHH TM-DV Vạn Gia Hảo, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM phát hiện, ngoài các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dán nhãn phụ thì giá bán cũng bị “thổi phồng” chóng mặt. Ví dụ, sản phẩm máy mát-xa Body Pro, nguồn gốc Trung Quốc của công ty này bán qua truyền hình, giá nhập khẩu chỉ 170 nghìn đồng, song giá bán trên truyền hình gần 2 triệu đồng (đã bao gồm mức giảm giá 50%). Hay một loại quần định hình dáng, giá gốc chỉ khoảng 10 nghìn đồng nhưng giá bán lẻ trên truyền hình gần 400 nghìn đồng/chiếc…

Quản lý chất lượng lỏng lẻo

Khi PV đặt vấn đề thẩm định chất lượng sản phẩm trước khi phát sóng, nhân viên tên Thảo cho biết, “quan trọng nhất là giấy phép quảng cáo sản phẩm của DN, đây là thủ tục có tính pháp lý cao nhất, còn các tính năng ưu việt của sản phẩm thì phải làm sao cho nổi bật nhất trong clip”.

Đánh giá về quy trình này, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm quảng cáo trên truyền hình có trụ sở tại TP HCM cho biết, với những sản phẩm thông thường thì trong hồ sơ xin giấy phép cần có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng. Riêng với những sản phẩm có tính nhạy cảm như: Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng… thì nhất định phải có giấy chứng nhận xuất xứ và an toàn y tế. Phía đối tác truyền hình dựa theo những căn cứ này và đặc tính của sản phẩm để dựng clip quảng bá.

“Nhưng thông thường, các clip quảng cáo sản phẩm này đều nói rất hay, nói ra rả, lặp đi lặp lại nhiều lần, ngày này qua ngày khác khiến người tiêu dùng nghe nhiều “ngấm dần” và tin là nó hay như vậy thật”, anh nói và cho biết, mặc dù có dựa trên công dụng của sản phẩm nhưng điều kiện quảng bá có khi khác xa với thực tế. Ví dụ: Khi quảng bá cho một cây chổi lau nhà, các kênh TV shopping đều quay trong những ngôi nhà đẹp, vết bẩn dễ lau, chỉ cần thao tác một tới hai lần là sạch. Trong khi điều kiện bình thường của người dân Việt Nam thì không phải ai cũng có nhà đẹp, vết bẩn hầu hết đều khó lau chùi. Đó chính là độ “vênh” mà người tiêu dùng không phát hiện ra”.

Với hình thức bán hàng đặc thù là khách hàng không có điều kiện kiểm tra, trải nghiệm sản phẩm trực tiếp như khi mua hàng theo cách truyền thống, phía cung cấp dịch vụ truyền hình không đặt ra điều kiện gì với đối tác về chất lượng sản phẩm là một lỗ hổng. Nghĩa là, đơn vị bán hàng có thể “treo đầu dê bán thịt chó”. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người tiêu dùng đã bị hớ, thậm chí “mắc bẫy” với hàng bán qua truyền hình. Thậm chí, ở góc độ nào đó, phía cung cấp dịch vụ truyền hình còn “tiếp tay” cho DN thổi phồng sản phẩm trong quá trình sản xuất clip quảng cáo. 

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.