Khu vực mỏ cát, sỏi lòng sông Cồn Nổi là 1 trong 11 điểm được Quảng Trị cho phép đấu thầu quyền khai thác khoáng sản |
Khu vực mỏ cát, sỏi dưới lòng sông Cồn Nổi là một trong 11 điểm mỏ nằm trong quy hoạch được đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quyết định Quyết định 805/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị. Doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá phải đáp ứng đủ quy định tại Nghị định 22/2012 của Chính phủ về đấu giá khoáng sản và phải có văn bản “đồng thuận của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có mỏ đấu giá” (gọi tắt tiêu chí đồng thuận)…
Quy định thì như vậy nhưng như Báo Giao thông đã phản ánh trong bài Doanh nghiệp kêu trời vì điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Quảng Trị, để có được văn bản đồng thuận này với một số doanh nghiệp không khác gì hái sao trên trời. Sở Tài nguyên môi trường và địa phương không ai đứng ra tổ chức tham vấn cộng đồng khi các doanh nghiệp đề nghị.
Tuy nhiên, điều đáng nói, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến nay, ít nhất 2 doanh nghiệp là Công ty CP Khai khoáng Việt Thái và Công ty TNHH MTV Trương Hoàng Kim (viết tắt Công ty Việt Thái và Công ty Trương Hoàng Kim) đã có trong tay văn bản được sự đồng thuận của địa phương. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, việc có được sự đồng thuận này làm dấy lên dư luận cho rằng có sự bất thường trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Quảng Trị.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, cách nào 2 doanh nghiệp trên được Phường Đông Lương tổ chức tham vấn cộng đồng? Thay cho câu trả lời, ông Lê Hải Đăng - Chủ tịch UBND P.Đông Lương gửi tập hồ sơ 2 công ty Việt Thái và Công ty Trương Hoàng Kim đã thực hiện các bước để đạt được tiêu chí “đồng thuận” như bộ “quy trình mẫu” và yêu cầu các doanh nghiệp “cứ thế làm theo”.
Bộ "quy trình chỉ đạo" từ trên xuống dưới để P.Đông Lương thực hiện tham vấn lấy ý kiến cộng đồng thăm dò, khai thác mỏ cồn Nổi cho công ty Việt Thái, Trương Hoàng Kim (ảnh chụp tư liệu do lãnh đạo P.Đông Lương cấp).
|
Nhưng với doanh nghiệp khác thì dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, không đơn vị nào đứng ra tổ chức tham vấn cộng đồng theo đề nghị của đơn vị muốn hoàn thiện hồ sơ đấu thầu |
Theo đó, từ tháng 1/2017, 2 công ty này đã có Tờ trình xin cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông tại mỏ Cồn Nổi. Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh có văn bản số 265/UBND-TN do Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ký gửi Sở TNMT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết. Đến ngày 8/2, Giám đốc Sở TNMT Quảng Trị Nguyễn Thanh Lợi ký văn bản 231 gửi 2 công ty Việt Thái, Trương Hoàng Kim yêu cầu làm việc với UBND TP.Đồng Hà, Phường Đông Lương và tổ chức tham vấn cộng đồng để tạo sự đồng thuận.
Tiếp đó, ngày 20/2, Phòng TNMT TP Đông Hà có văn bản số 91/PTNMT-MT trực tiếp đề nghị UBND Phường Đông Lương có ý kiến về việc thăm dò, khai thác cát tại Cồn Nổi; chủ trì tổ chức lấy ý kiến tham vấn cộng động dân cư về việc khai thác cát này…
Rõ ràng, đây là “quy trình chỉ đạo” thống nhất từ trên xuống dưới và Phường Đông Lương là cấp thực hiện lấy ý kiến tham vấn cộng đồng.
Ông Đ.V.T - Giám đốc Công ty H.G bức xúc: "Chúng tôi cũng thực hiện đúng theo hướng dẫn, xin thông báo của Sở TNMT tỉnh xuống địa phương nhưng Sở chỉ ra một văn bản hết sức chung chung, không hề “ưu ái” như các công ty trên. Phòng TNMT, UBND TP.Đông Hà và trực tiếp Phường Đông Lương liên tục thoái thác, không tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dù đã được chuyển đến văn bản của Sở TNMT".
Với cách họp tham vấn đầy đủ thành phần như thế này, nếu tất cả các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản muốn xin ý kiến, Phường Đông Lương liệu có đủ thời gian để "họp"? |
Có điều lạ là Kế hoạch 735 và Quyết định 305 về việc đấu giá khai thác mỏ khoáng sản Quảng Trị năm 2017 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 4/2017, nhưng 2 công ty trên đã có bước chuẩn bị thực hiện tiêu chí “đồng thuận” này từ tháng 1-2/2017. Theo lãnh đạo Sở TNMT Quảng Trị, đây là trình tự hồ sơ xin thăm dò, khai thác khoáng sản (sau khi UBND tỉnh có Quyết định 3330 quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh-PV), không phải hồ sơ dự đấu thầu.
Tuy nhiên, việc sử dụng văn bản có mục đích “xin thăm dò” cho hồ sơ dự đấu thầu quyền khai thác mỏ liệu có phù hợp, thỏa đáng và công bằng giữa các đơn vị đang cùng hoàn chỉnh hồ sơ xét dự đấu thầu?
Nhà nước phải tham vấn dân trước khi cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản Theo tìm hiểu, quy định điều kiện tiêu chí “đồng thuận” địa phương, dân cư nơi có mỏ hoàn toàn không nằm trong nội dung hồ sơ đấu thầu khoáng sản được quy định tại Nghị định 22/2012/CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc Quảng Trị đưa ra tiêu chí này gây nhiều dư luận trái chiều. Theo Giám đốc Sở TNMT Quảng Trị Nguyễn Thanh Lợi, đây là tiêu chí bắt buộc nhằm giảm thiểu tác động việc khai thác khoáng sản đến cộng đồng dân cư. Nhưng các doanh nghiệp cho rằng: thực chất đây là quy định để “sàng lọc” doanh nghiệp, gây khó dễ cho các “đơn vị lạ”, tạo cơ chế xin-cho. Doanh nghiệp băn khoăn cộng đồng dân cư, địa phương lấy "tiêu chí chuẩn" nào để đồng thuận hay không với đơn vị xin khai thác mỏ? Các chuyên gia, đơn vị quản lý khoáng sản cũng bất ngờ trước quy định này của Quảng Trị. Lãnh đạo Phòng Khoáng sản, Sở TNMT Quảng Nam cho hay: Quảng Nam không đưa tiêu chí “đồng thuận” này vào đấu thầu. Phía nhà nước cơ bản phải làm hết các thủ tục pháp lý: họp, lấy ý kiến địa phương, dân cư về mỏ khai thác trước khi phát hành hồ sơ dự đấu thầu. Bản chất doanh nghiệp đấu thầu là đấu về mặt kinh tế, giá thầu. Căn cứ hướng dẫn tại Văn bản số 91 của Phòng TNMT (UBND TP.Đông Hà), việc tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư mỏ, sẽ có các thành phần: UBND phường, cấp ủy, khu phố trưởng, Ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể thuộc khu phố… Chẳng lẽ có 10 doanh nghiệp xin làm hồ sơ dự đấu thầu là chục lần các cấp địa phương phải ngồi họp, xét. Điều này gây lãng phí thời gian, thủ tục hành chính rườm rà, đi ngược chủ trương chính quyền kiến tạo và hành động của Chính phủ và chắc chắn nhiều doanh nghiệp không kịp hoàn thiện hồ sơ và phần ưu thế sẽ cho những doanh nghiệp được “bật đèn xanh” chuẩn bị từ trước (?). |
Báo Giao thông tiếp tục thông tin phản ánh vụ việc...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận