Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Trưởng đoàn Trung Quốc tại Shangri-La 2016 |
Đúng như dự đoán, từ đầu đến cuối Hội nghị, vấn đề căng thẳng trên Biển Đông luôn được gần 600 quan chức quốc phòng, học giả và giám đốc điều hành các nước bàn luận căng thẳng cũng như đưa ra những cảnh báo cần thiết.
Trước khi bế mạc, Shangri-La đã họp phiên cuối cùng mang chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột” và “Theo đuổi mục tiêu an ninh chung”. Phiên họp này là tâm điểm được báo giới mong đợi bởi sự tham gia của các diễn giả là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Tại đây, quan chức quốc phòng Pháp, Việt Nam và Singapore đều bày to lo ngại về vấn đề Biển Đông, cảnh báo căng thẳng trên Biển Đông sẽ còn tiếp tục leo thang.
Đặc biệt, xuyên suốt Shangri-La, Trung Quốc nhiều lần bị chỉ trích vì bất nhất trong hành động và lời nói cũng như việc tăng cường bồi đắp, cải tạo trái phép đảo nhân tạo tại khu vực đang căng thẳng trên Biển Đông.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh chỉ ra rằng, mỗi quốc gia đểu bảo vệ lợi ích của dân tộc nhưng điều đó cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế, tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới.
Hiện Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông còn tồn tại những tranh chấp và khác biệt với Trung Quốc. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó mà kéo theo nó là những hành động đơn phương áp đặt, làm thay đổi hiện trạng và đang có nguy cơ quân sự hóa nhằm tạo ra sức mạnh răn đe; làm ảnh hưởng xấu đến an ninh an toàn trên không, trên biển và dưới đáy biển, hủy hoại môi trường, cản trở các hoạt động lao động hòa bình trên biển… kéo theo sự can dự của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với những hậu quả hết sức nghiêm trọng và khó lường.
Trong khi đó, Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Trưởng đoàn Trung Quốc ngang ngược nói: “Chúng tôi không phải bên gây ra rắc rối và chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi không cho phép bất cứ xâm phạm nào đối với chủ quyền quốc gia cũng như các lợi ích an ninh đất nước. Chính sách của chúng tôi ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ không thay đổi”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang “tự xây Vạn lý Trường thành” cô lập với thế giới. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết nước này lo ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, khẳng định rằng không một nước nào có thể là "người ngoài cuộc" khi liên quan đến sự ổn định khu vực.
“Ở Biển Đông, chúng tôi chứng kiến việc cải tạo đất, xây dựng một cách nhanh chóng các tiền đồn quân sự”, Bộ trưởng Nhật Bản Nakatani nói. Dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng ông Nakataini bày tỏ "ngại ngại sâu sắc" về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp.
Ngoài Biển Đông, vấn đề Triều Tiên cũng được các quan chức quốc phòng bàn bạc sôi nổi.
Tại đây, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa các phòng của hai nước để phối hợp hành động trong hoàn cảnh xảy ra các mối đe dọa và trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, hai nước cũng đã thảo luận về vai trò của mình trước chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cho biết sẽ duy trì lập trường cứng rắn để đáp trả lại bất kỳ "hành động khiêu khích" nào khác của Bình Nhưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận