Hiện tượng hằn lún xuất hiện cục bộ trên một số đoạn tuyến sử dụng BTN thường ở khu vực miền Trung |
Ngày 27/6, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu tiếp tục đi kiểm tra, xem xét các vị trí xảy ra hằn lún trên tuyến QL1A đoạn từ Nghệ An đến hết Thừa Thiên-Huế. Qua xem xét các vị trí hằn lún trên tuyến, tổng hợp với kết quả kiểm tra ngày 26/6, các thành viên trong đoàn cho rằng hỗn hợp bê tông nhựa thường đã không còn phù hợp với nhiệt độ và lưu lượng xe ở khu vực miền Trung trong những ngày nắng nóng vừa qua. Muốn kháng hằn lún, vệt bánh xe cần sử dụng phụ gia hoặc bê tông nhựa polymer thay thế.
Hằn lún do thiên tai hạn hán
Từ các vị trí hằn lún cục bộ trên tuyến như: đoạn Nam TP Hà Tĩnh – Bắc Thị trấn Kỳ Anh (đoạn thảm bê tông nhựa thường) do Sở GTVT Hà Tĩnh làm đại diện chủ đầu tư, đoạn tuyến mới tránh Thị trấn Kỳ Anh, đoạn BOT Quảng Trạch – Bố Trạch, Quảng Bình, đoạn tránh khu vực ngập lụt phía nam tỉnh Quảng Bình, cho đến các đoạn có dấu hiệu hằn lún xảy ra trên toàn tuyến như tuyến tránh Vinh, đoạn Nam Bến Thủy – Bắc TP. Hà Tĩnh, bắc TP. Huế…, các thành viên trong đoàn đã cùng xem xét, đánh giá các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hằn lún để có biện pháp khắc phục tối ưu và phù hợp với từng đoạn tuyến.
Về nguyên nhân của hằn lún, các chuyên gia đều khẳng định: Về cơ bản các nhà thầu đã tuân thủ các chỉ dẫn của Bộ GTVT, thế nhưng quá trình khai thác tuyến đường, nắng nóng kéo dài cộng với nhiệt độ tăng cao, có địa phương phải công bố tình trạng thiên tai hạn hán đã khiến lớp bê tông nhựa bề mặt bị mềm hóa và trồi lún khi gặp lưu lượng xe lớn, tải trọng cao chạy trùng phục liên tục.
Đặc biệt, hằn lún chỉ xảy ra trên các đoạn tuyến sử dụng bê tông nhựa thông thường từ C12.5 cho đến C19, một số đoạn tuyến nhà thầu mạnh dạn sử dụng bê tông nhựa polymer và bê tông nhựa có phụ gia thì không xảy ra hiện tượng hằn lún. Điều này càng chứng tỏ, hỗn hợp bê tông nhựa thường đang sử dụng không phù hợp với những biến đổi về thời tiết ở khu vực các tỉnh Miền Trung.
Các chuyên gia, nhà thầu hiến kế trị hằn lún ngay trên công trường. |
Hiến kế trị hằn lún vệt bánh xe ngay trên công trường
Trong quá trình kiểm tra hằn lún trên các tuyến đường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã nhiều lần yêu cầu các chuyên viên, chuyên gia của Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT – Bộ GTVT, Trường Đại học GTVT, thậm chí chính các nhà thầu trên tuyến hiến kế trị “bệnh” hằn lún.
Theo ông Lương Xuân Chiểu – Trưởng phòng Thí nghiệm trọng điểm Trường Đại học GTVT (người đã trực tiếp tham gia tư vấn phối trộn bê tông nhựa cho nhà thầu Sơn Hải, nhà thầu cam kết bảo hành đường 5 năm - PV), mỗi vị trí xảy ra hằn lún cục bộ đều có một nguyên nhân khác nhau: có nơi thì trồi nhựa do hàm lượng nhựa quá nhiều trong hỗn hợp BTN lớp mặt, nơi thì lún do sử dụng nhiều thành phần hạt mịn, cũng có nơi bị lún do sử dụng cốt vật liệu đá có tính axit dẫn đến bám dính BTN kém…
Để có thể đưa ra biện pháp khắc phục triệt để, cần phải khoan lấy mẫu thí nghiệm, đánh giá phân tích cụ thể rồi mới có thể xây dựng các mẫu tỉ phối bê tông nhựa cải tiến, sau đó tiến hành thảm thử nghiệm, khai thác thử nghiệm trong điều kiện thời tiết tương đương mới có thể đưa vào khai thác đại trà.
Ông Triệu Khắc Dũng – Cục phó Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT khẳng định: Hằn lún vệt bánh xe là vấn đề xảy ra ngoài ý muốn. Quá trình thực hiện dự án QL1A các nhà thầu đều đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện tốt nhất, chất lượng nhất các đoạn tuyến do đơn vị mình thi công. Thậm chí có những nhà thầu sẵn sàng bỏ tiền túi để thuê chuyên gia xây dựng tỉ phối bê tông nhựa 2 lớp để chống hằn lún, thế nhưng, đường đưa vào khai thác vẫn hằn lún, phải cào bóc, sửa chữa tốn kém. Hiện nay các nhà thầu cũng đang rất quyết tâm để khắc phục triệt để tình trạng hằn lún theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Vì vậy, chúng ta cần chia sẻ và đưa ra biện pháp tối ưu giúp “gỡ khó” cho các nhà thầu.
Theo ông Dũng, mấu chốt trong vấn đề hằn lún ở khu vực Miền Trung chính là nhiệt độ. Cùng một hỗn hợp, tỉ phối nhưng mang ra làm đường Hà Nội, Khánh Hòa, Nha Trang, Cần Thơ… thì không bị hằn lún vệt bánh xe, còn làm ở miền Trung thì hằn lún, thậm chí hằn lún nặng, liên tiếp. Cũng có những tuyến đường khai thác tới 2 năm không bị hằn lún, nhưng sau đợt nắng khủng khiếp vừa rồi cũng không thoát khỏi hằn lún. Chính vì lý do đó, chúng ta cần xem xét tìm ra loại phụ gia phù hợp cho hỗn hợp bê tông nhựa để kháng hằn lún, không bị biến dạng khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Đoàn công tác cùng các nhà thầu thăm quan dây truyền thảm BTN của nhà thầu Sơn Hải |
Ông Nguyễn Bính – Trưởng phòng Quản lý bảo trì Cục QLĐB II cho rằng: Qua thực tế tại 2 tuyến Nghi Sơn – Cầu Giát và Nam TP Hà Tĩnh – Bắc Thị trấn Kỳ Anh, có thể thấy việc sử dụng bê tông nhựa polymer thay thế bê tông nhựa thường bề mặt đã cơ bản khắc phục được tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT xem xét đưa bê tông nhựa polymer vào thay thế bê tông nhựa thường bề mặt cho các đoạn tuyến ở khu vực miền Trung. Đồng thời, có chỉ dẫn cụ thể về thành phần hạt thô, hàm lượng nhựa và bột khoáng trong hỗn hợp bê tông nhựa, biện pháp tổ chức thi công…. trong quá trình sửa chữa khắc phục hằn lún vệt bánh xe.
Phó GS.TS Hoàng Hà – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT cũng phải thừa nhận rằng: Chỉ dùng hỗn hợp bê tông nhựa thông thường thì khó tránh được tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Cần phải thêm phụ gia dính bám, bột khoáng tiêu chuẩn cho hỗn hợp bê tông nhựa, phù hợp với đặc điểm về khí hậu, lưu lượng phương tiện, cốt liệu vật liệu của từng đoạn tuyến.
Cho phép dùng bê tông nhựa polymer để chống hằn lún
Đánh giá kết luận bước đầu về biện pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Đến thời điểm này, những đoạn tuyến sử dụng bê tông nhựa polymer cho lớp thảm bề mặt vẫn ổn định, mức độ hằn lún vệt bánh xe thấp dù các nhà thầu vẫn dùng thành phần hạt nhỏ nhiều. Điều này chứng tỏ khả năng kháng hằn lún tốt của hỗn hợp BTN polymer (cũng là bê tông nhựa nhưng có phụ gia tạo thành polymer – PV). Thế nhưng, trước khi đưa vào sử dụng đại trà, các đơn vị cũng cần phải tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm kỹ lưỡng.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các nhà thầu phải thận trọng trong quá trình cào bóc, khắc phục hằn lún vệt bánh xe, tránh tình trạng khắc phục xong rồi đường vẫn lún. “Từ nay đến 30/6, các nhà thầu phải tập trung cào tạo phẳng toàn bộ các vị trí có xuất hiện tình trạng hằn lún. Sau đó, xem xét đánh giá theo từng vị trí. Nếu đoạn trồi lún trước đây không phát sinh thêm, BTN không bị biến dạng có thể nghiên cứu thảm một lớp nhám bề mặt tính năng cao để bảo vệ BTN. Những đoạn BTN có dấu hiệu không ổn định, biến dạng phải cào bóc tái chế hoặc thảm lại bằng hỗn hợp BTN khác có phụ gia” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Được biết, Bộ GTVT đã đồng ý về chủ trương cho phép các nhà thầu đang thi công Dự án nâng cấp mở rộng QL1A được thử nghiệm sử dụng BTN polymer thay thế BTN thường trên lớp bề mặt. Tuy nhiên, Bộ cũng đưa ra khuyến cáo đối với các nhà thầu là dù sử dụng BTN polymer hay BTN thường có phụ gia thì nhà thầu vẫn phải quản chặt nguồn vật liệu và quá trình thi công, đây mới là yếu tố cốt lõi làm nên chất lượng tuyến đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận