Kỳ 1: Ngậm ngùi bến xe hiện đại, khách đìu hiu...
Từ bến xe xã hội hóa, đầu tư cả trăm tỷ đồng đến những bến xe đang được quản lý của Nhà nước đều than khó và đối mặt nỗi lo chết yểu...
Bến xe như ga hàng không, mỗi ngày phục vụ vài chục xe khách
Trưa 25/3, PV Báo Giao thông có mặt tại bến xe miền Trung (phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt PV là một công trình bến xe đồ sộ, hoành tráng được xây dựng trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông và nằm sát QL1 đoạn tuyến tránh thành phố.
Tuy nhiên, trái ngược với quy mô của một bến xe khách loại I là sự đìu hiu, vắng vẻ đến lạ thường. Mặc dù đã hơn 13h nhưng trong khu vực bán vé và nhà chờ chỉ có duy nhất 1 nhân viên của phòng vé, còn lại không có một hành khách hay nhân viên của bất cứ nhà xe nào. Phía bên ngoài sân bãi cũng chỉ có 4 xe khách nằm im lìm không một bóng người.
Một nhân viên phòng vé bến xe miền Trung chua chát nói: “Bình thường chỉ có 2 nhà xe Dương Hồng (chạy tuyến Đà Nẵng) và nhà xe Minh Huy (chạy tuyến Sài Gòn và Tây Nguyên) là có nhân viên bán vé. Giờ này chắc họ đang nghỉ trưa. Buổi tối thì có nhiều xe ra vào bến hơn, tầm 20 - 30 xe; Còn ban ngày thì ngày nào cũng đìu hiu và vắng vẻ như thế này”.
Tìm hiểu của PV, bến xe miền Trung do Công ty CP Đầu tư và phát triển Miền Trung tiến hành xây dựng trong 2 năm 2016 - 2017 trên diện tích 30.471m2. Đến 9/2017, bến hoàn thành đưa vào khai thác với quy mô bến xe khách loại I, phục vụ 800 - 1.000 xe xuất bến/ngày đêm. Công trình này được Tập đoàn Onduline - CH Pháp trao giải Top 10 “Công trình ấn tượng 2017” do được ứng dụng các loại vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.
4 tháng đầu hoạt động, bến này duy trì đội ngũ khoảng gần 20 cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, do chịu khoản lỗ lên tới 1,5 tỷ đồng/tháng, đến nay bến chỉ có giữ lại một vài người gồm: Điều độ, nhân viên phòng vé, bảo vệ, phục vụ việc vận hành bến, làm thủ tục cho một số xe đang hoạt động.
Tương tự tại bến xe Hà Tĩnh, dù không đến mức bi đát như bến xe Miền Trung, nhưng bến này đã hoạt động tới 5 năm vẫn… chưa có lãi. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc bến xe Hà Tĩnh cho biết: Năm 2014, chúng tôi bỏ vốn đầu tư xây dựng bến xe Hà Tĩnh theo lời kêu gọi của tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư trên 110 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 75 tỷ đồng. Bến có công suất phục vụ lên tới 800 lượt xe/ngày đêm; có các bãi đỗ xe quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh và các công trình phụ trợ, đạt tiêu chuẩn bến xe loại I theo quy định của Bộ GTVT. Đến hiện tại lưu lượng xe ra vào bến mới đạt khoảng 100 lượt/ngày đêm, đạt 12,5% công suất. Qua 5 năm hoạt động số tiền thu được mới đủ trả lương công nhân, lãi vay… chứ chưa chi trả được một ít cổ tức nào cho các cổ đông.
Năm 2014, TX Ayun Pa (Gia Lai) có chính sách kêu gọi đầu tư xã hội hóa để xây dựng các công trình công cộng. Vào thời điểm này, bến xe tại trung tâm của thị xã đã xuống cấp và hoạt động không hiệu quả. Trước nhu cầu kinh doanh vận tải tại địa phương, lại được ưu đãi được thuê đất 50 năm và miễn thuế thuê đất 15 năm đầu, Công ty TNHH Vận tải Tấn Tài mạnh dạn đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng bến xe TX Ayun Pa theo tiêu chuẩn loại 3. Hoạt động từ cuối năm 2015, thế nhưng doanh nghiệp đang phải cầm cự lay lắt vì xe không chịu vào bến.
Ông Phạm Minh Tân, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vận tải Tấn Tài cho biết: “Từ chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình công và chính tôi muốn đóng góp tâm sức của mình để xây dựng quê hương nên đã mạnh dạn đầu tư vào công trình này, ông Tân nói và cho biết, gần 4 năm bến xe đi vào hoạt động với khoảng 40 đầu xe vào làm lệnh xuất bến. Cả bến có 4 xe khách giường nằm, còn lại chủ yếu là xe 16 chỗ. Tuyến xe hoạt động nhiều nhất là Ayun Pa - Pleiku nên nguồn thu không đáng là bao.
“Trung bình mỗi tháng công ty thu vào từ hoạt động của bến khoảng 50 triệu đồng, nhưng lãi ngân hàng hàng tháng khoảng 80 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền doanh nghiệp trả tiền công cho nhân viên và các khoản chi khác như điện, nước”, ông Tân than.
Theo ông Trần Hoài Nam, quản lý bến xe Nước Ngầm cho biết, những năm gần đây hoạt động ở bến xe chủ yếu chỉ nhộn nhịp dịp lễ, Tết còn các ngày thường khá vắng vẻ so với hoạt động của các xe hợp đồng ngoài bến.
“Nhiều doanh nghiệp trong bến xin nghỉ dài ngày nói là bảo dưỡng, sửa chữa xe... thậm chí, kéo dài số ngày nghỉ theo yêu cầu. Nhưng chúng tôi không dám khẳng định đấy là bỏ bến chạy dù vì trong đơn họ nêu bảo dưỡng, sửa xe”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, hiện có hai đơn vị thường xuyên nghỉ hoạt động kinh doanh ở bến gồm: HTX Huy Hải lộ trình bến xe Nước Ngầm đi TP Vinh BKS 37B-022.26, hợp đồng 7/30 chuyến; HTX Giao thủy BKS 18B - 017.84 hợp đồng 12/30 chuyến.
Cuối tháng 1/2016, bến xe Đồng Tâm (TP Cà Mau) quy chuẩn loại 4 do DNTN Xăng dầu Vạn Lợi đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, được đưa vào khai thác trên tổng diện tích trên 7.600m2. Bến được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu trước mắt về xếp dỡ hàng hóa, giảm lượng xe vào trung tâm TP Cà Mau, góp phần đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động, bến xe vẫn hết sức vắng vẻ.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại khu vực sảnh chính, nhà chờ, phòng bán vé, hầu như không có giao dịch nào diễn ra. Ngoài ra, trong bãi cũng rất ít người qua lại. Hiện tại, trong bến xe chỉ có 2 doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động với 7 chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Cà Mau - TP HCM.
Bà Trần Hồng Nhan, người đại diện DNTN Xăng dầu Vạn Lợi cho biết, hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn. Theo tính toán đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 11 lượt xe ra vào bến (bao gồm xe khách và xe tải). Không những thế, có tháng doanh nghiệp còn phải bù lỗ từ 5-15 triệu đồng. Với tình hình này, dự tính mất trên 15 năm doanh nghiệp mới có thể hoàn vốn lại được.
Bến xe nhà nước cũng ngắc ngoải
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội - đơn vị hiện đang quản lý nhiều bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm cho biết, từ khi xuất hiện các loại hình xe hợp đồng, công nghệ đưa đón khách tận nơi, hoạt động ở bến xe cũng giảm đáng kể. Cụ thể, trước đây số chuyến lượt của các doanh nghiệp thường đạt 100% trừ trường hợp xe hỏng hóc... Còn giờ nhà xe họ nêu lý do khách ít hơn hay xe hỏng họ giảm số chuyến, lượt xe ở bến.
“Khi nhà xe giảm số chuyến, lượng hành khách sụt giảm, bến cũng bị ảnh hưởng”, ông Toàn nói và cho biết, trước đây mỗi xe xuất bến đạt 20 khách, gần đây, các loại hình xe hợp đồng nở rộ, lượng khách còn khoảng 6 khách, nhưng nếu tiếp tục giảm còn 3 khách/chuyến chắc chắn doanh nghiệp sẽ bỏ bến để hoạt động bên ngoài, lúc đó bến xe buộc phải đóng cửa.
Cũng theo ông Toàn, công ty đang yêu cầu các bến xe thực hiện hàng loạt các giải pháp hút khách như tăng cường dịch vụ thuận tiện nhất cho hành khách, loa báo hành khách vào bến được quyền lợi, yêu cầu nhà xe tăng chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách tốt hơn, không tăng giá vé...
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cũng cho biết, hiện ở bến có tới khoảng 10 - 15% nhà xe bỏ bến để chạy hợp đồng mùa lễ hội. Khoảng thời gian dịp 30/4 - 1/5 lượng doanh nghiệp mới hoạt động đông đủ ở bến xe. Ông Thành cũng khẳng định, bến xe cũng xuất hiện các trường hợp doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh ở bến nhưng lại hoạt động chạy dù nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp danh sách những doanh nghiệp này ông Thành xin phép không tiết lộ.
Tại phía Nam, ghi nhận của PV chiều 24/3, tại bến xe Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) hoàn toàn vắng bóng xe khách và bị biến thành bãi xe. Khuôn viên bến xe rộng hàng nghìn mét vuông chỉ lác đác vài chiếc xe tải lên xuống hàng. Các bến xe Long Khánh (TX Long Khánh), bến xe Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) cũng đang rơi vào cảnh “sống mòn”. Nằm cách bến xe Dầu Giây khoảng 10km có vị trí đắc địa trên QL1 nằm ngay cửa ngõ ra vào thị xã nhưng bến xe Long Khánh chỉ đếm được 3 chiếc xe khách đậu chung lẫn lộn với xe tải, xe container.
Khoảng 16h chiều 24/3, tại khu vực ngã ba Ông Đồn (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc), PV trực tiếp chứng kiến tại văn phòng nhà xe Kim Mạnh Hùng có 2 xe khách đậu lấn chiếm làn xe máy trên QL1 khiến giao thông qua đây ùn ứ, các phương tiện vất vả né tránh luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Tình trạng các bến xe huyện đang chết dở nguyên nhân chính được xác định là do một số nhà xe lập văn phòng đón khách bến ngoài.
“Ngã ba Ông Đồn có lượng xe cộ rất lớn, từ ngày nhà xe Kim Mạnh Hùng lập văn phòng đón khách, xe tấp nập ra vào khiến giao thông thường xuyên ùn ứ, nhưng không thấy bị xử phạt. Trong khi đó bến xe của huyện cách đó khoảng 1km thì đang sống dở, chết dở”, một người dân cư ngụ gần ngã ba này cho hay.
Tương tự trên các tuyến đường nội ô TX Long Khánh, các tuyến đường trung tâm đang là “thủ phủ” của các nhà xe: Võ Cúc Phương, Cường Thủy, Kim Mạnh Hùng (tuyến Long Khánh - TP HCM) hoạt động bát nháo nhiều năm vẫn sống khỏe. Ông Nguyễn Xuân Lộc, quản lý Bến xe Long Khánh (thuộc Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai) cho biết, trước đây bến xe hoạt động nhộn nhịp, nhưng hiện nay trong bến chỉ còn 3 xe của hợp tác xã chạy tuyến cố định đi các tỉnh. “Tình trạng các nhà xe rầm rộ lập văn phòng gom hết khách khiến bến xe đang hoạt động cầm chừng vì xe của các hợp tác xã không sống nổi đã bỏ bến ra ngoài gần hết…”, ông Lộc bức xúc nói.
Cùng chung cảnh “đìu hiu” là bến xe khách tỉnh Ninh Thuận do Công ty CP Vận tải và thương mại, dịch vụ xây dựng Đại Lợi đầu tư gần 90 tỷ đồng có sức chứa khoảng 1.000 lượt khách. Đại diện bến xe khách tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng, bến đã được chính quyền địa phương, cơ quan quản lý công nhận là BX loại I, nhiều nhà xe có trụ sở tại TP Phan Rang - Tháp Chàm không đưa xe vào bến mà lập văn phòng bán vé đón khách hoạt động như tuyến cố định dẫn đến tình trạng trong bến thì vắng xe, vắng bóng hành khách còn ngay tại trung tâm TP Phan Rang thì các nhà xe nhộn nhịp đón khách.
“Ngoài việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải Nhà nước còn thất thu thuế. Để giải quyết thực trạng trên về lâu lài lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm quyết liệt nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải theo đúng quy định pháp luật”, vị đại diện bến xe thông tin.
Ông Đỗ Thanh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Liên tỉnh Đắk Lắk:
Nghịch lý bến càng hiện đại, xe càng ít
Xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình hoạt động trên địa bàn khá nhức nhối. Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở GTVT đề nghị xử lý nghiêm, nhưng phản ánh mãi không thay đổi được tình hình nên… kệ. Bến xe kêu gọi đầu tư xã hội hóa thuộc diện hiện đại nhất khu vực Tây Nguyên, nhưng xe dù, xe hợp đồng quá nhiều, nhà xe không vào bến mà lập bến cóc ngay tại nhà, bốc hàng xe khách không khác gì một bến xe.
Điều này rõ ràng cạnh tranh không công bằng, một bên là xe vào bến đóng thuế, một bên vô tư chạy. Đây là nghịch lý rất khó hiểu. Bến xe càng đầu tư hiện đại xe và khách càng ít. Trong năm 2017, bến xe giảm 20% đầu xe vào bến; đến năm 2018 giảm đến 30% đầu xe. Trong khi đó, doanh thu năm 2018 giảm 30%.
Ông Phạm Bá Tuyên, Giám đốc bến xe liên tỉnh Đắk Nông:
Nhiều nhà xe cố định phải hùa theo cái sai
Xe hợp đồng trá hình chạy chi phí rất ít. Không phải xe tuyến cố định không chấp hành, nhưng họ phải hùa theo cái sai mới “kiếm cơm” được, vì ở trong bến thì không có khách. Tôi đã chứng kiến nhiều xe xuất bến không có khách nào, chạy 10km cũng không có khách thì “rớt tài”. Trong khi đó các xe dịch vụ, xe 7 chỗ, xe Limousine hoạt động bắt khách khắp thị xã nhưng không được xử lý triệt để, gây bức xúc cho nhà xe làm ăn chân chính.
Bến xe Đắk Nông được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hiện đại đưa vào hoạt động từ ngày 26/4/2017 nhưng đầu xe càng ngày càng giảm. Năm 2017 giảm 15%, từ đầu năm 2019 giảm 20% doanh thu. Bến xe đìu hiu, vắng khách các chi phí dịch vụ chưa thu 1 đồng nào. Trong khi đó, các xe hợp đồng vô tư đi gom khách và chạy như tuyến cố định.
Ông Nguyễn Chí Hoài, Giám đốc Ban quản lý Bến xe Bạc Liêu:
Nhiều nhà xe đối phó, vừa vào bến, vừa chạy dù
Hiện trên địa bàn có rất nhiều xe bỏ bến chạy dù, việc này ảnh hưởng rất lớn, gây mất trật tự ATGT, khiến cho doanh thu của bến xe cũng bị sụt giảm. Nhiều nhà xe còn hoạt động theo kiểu đối phó, không chịu vào bến hoàn toàn mà chỉ vào khoảng 30%, còn lại 70% chạy hợp đồng.
Thậm chí, có nhà xe đã có tuyến cố định, nhưng không tăng cường xe vào bến mà chỉ tăng xe chạy dù, nhằm đối phó với lực lượng chức năng.
Thời gian tới, để chấn chỉnh, CSGT, TTGT, CSTT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và mạnh tay xử lý mới có thể xóa sổ được xe dù, bến cóc. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài mạnh hơn để xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm tạo tính răn đe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận