Quản lý chưa theo kịp thực tiễn
Đề cập nguyên nhân nhiều bến xe sống “lay lắt”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô thẳng thắn chỉ rõ do việc quản lý loại xe hợp đồng quá lỏng lẻo. Theo quy định, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện theo hợp đồng vận tải, là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng. Khi vận chuyển hành khách, lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách.
“Chính vì thế, các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách hợp đồng thường lách luật theo hướng này để qua mặt các cơ quan chức năng, chạy tuyến cố định. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn còn ngang nhiên thành lập nhà chờ đón khách, sử dụng các xe trung chuyển, mở “bến cóc” ngay trên các tuyến đường nội đô”, ông Quyền phân tích.
Cũng theo ông Quyền, dù biết mười mươi những doanh nghiệp đó sử dụng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, nhưng công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết lái xe đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ. “Mấu chốt ở đây là các văn bản quy định loại hình vận tải theo hợp đồng còn có những điều chưa chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn, giúp sức cho các doanh nghiệp lợi dụng lách luật”, ông Quyền nói thêm.
Đề cập đến ý kiến cho rằng Limousine là loại hình được người dân ưa chuộng và lựa chọn và nên coi đây là loại hình mới để quản lý, ông Quyền thừa nhận, ở góc độ người sử dụng dịch vụ có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, phải công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải. Loại hình này không đáp ứng đủ điều kiện mà còn tạo nguy cơ ùn tắc và TNGT cao hơn.
“Nguyên nhân chính khiến bến xe “sống dở, chết dở” là tình trạng xe Limousine hay còn gọi là xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định bùng phát với số lượng rất lớn. Loại xe này không vào bến, tự lập các văn phòng, đại lý bán vé, hẹn đón khách qua điện thoại, chạy lòng vòng đón khách, gây mất trật tự ATGT, vừa gây thất thu cho bến xe. Các cơ quan quản lý vẫn chậm đưa ra giải pháp rõ ràng dẫn đến xe lợi dụng xe hợp đồng”, ông Quyền cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, xe tuyến cố định phải chịu các ràng buộc về điều kiện kinh doanh và nộp các khoản như lệ phí ra vào bến, lệ phí bán vé, phí đỗ qua đêm, các thủ tục liên quan đến phương tiện và người lái nên chi phí lớn hơn nhiều so với xe Limousine không phải vào bến.
“Loại hình này đang “trắng” về điều kiện kinh doanh vận tải vì thủ tục để một đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách theo hợp đồng rất đơn giản. Trong khi đó, đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định phải thông qua quy hoạch, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến cố định, xem xét biểu đồ chạy sao cho không trùng với giờ đơn vị vận tải hành khách khác đang hoạt động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước”, ông Mạnh nói.
Phải mạnh tay xử lý vi phạm
Ngoài việc xây dựng phần mềm quản lý bến xe, Tổng cục Đường bộ cũng đang thực hiện Đề án “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý hoạt động đối với xe hợp đồng Limousine”. Cùng đó, tới đây chúng tôi cũng thực hiện Đề án “Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Bộ GTVT phê duyệt. Với những giải pháp đó, thị trường vận tải sẽ phát triển vận tải hài hòa, bền vững theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đảm bảo ATGT.
Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng
Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, lực lượng chức năng cũng như cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình. Ông Bình cho rằng, hiện đang thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển của loại xe này.
Để xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình, ông Trần Quang Bình cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng phần mềm quản lý bến xe để quản lý trực tuyến các bến xe trên toàn quốc. Phần mềm này sẽ quản lý được tất cả các hoạt động của bến xe như: Xe ra vào bến, xe của đơn vị nào, đi vào thời gian nào, chở bao nhiêu khách, số khách ra vào bến trong ngày và đi xe xuất phát từ bến nào...
“Từ các thông số đó, đơn vị quản lý sẽ biết được xe đi đúng tuyến và có được chấp thuận tuyến hay không. Như vậy, sẽ biết được nhà xe nào bỏ tài, bỏ chuyến chạy dù. Ví dụ, một doanh nghiệp đăng ký tại bến là 100 chuyến/tháng, nhưng khi đối chiếu với chấp thuận tuyến, doanh nghiệp này chỉ chạy 50 chuyến, vi phạm này sẽ được chuyển thẳng cho Sở GTVT xử lý, bởi theo quy định nhà xe nào chạy dưới 70% số tài, số chuyến cơ quan quản lý có quyền đình chỉ tuyến của nhà xe đó.
Cũng theo ông Bình, quy định pháp luật hiện nay đối với xe hợp đồng đã khá đầy đủ. Đối với loại xe trá hình Limousine, lực lượng Thanh tra giao thông có thể xử lý được ngay. Đơn cử như Đà Nẵng đã xử lý rất tốt đối với loại xe này, hầu như không còn tình trạng xe dù, bến cóc.
“Cùng một mặt bằng quy định pháp luật, có địa phương làm rất tốt, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít địa phương chưa quyết liệt. Quan trọng nhất trong việc xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình là sự vào cuộc, xử lý nghiêm của lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường. Vấn đề chỉ là lực lượng chức năng ở địa phương đó có quyết tâm xử lý hay không”, ông Bình thẳng thắn nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, bên cạnh việc thực hiện tốt giải pháp về quy hoạch, cần tăng cường quản lý đối với vận tải khách theo hợp đồng bằng việc nâng điều kiện kinh doanh đối với loại hình này phải tương đồng với điều kiện kinh doanh tuyến cố định. Điều này sẽ tránh được việc lợi dụng hình thức hợp đồng tranh giành khách trong phân khúc thị trường vận tải khách tuyến cố định.
“Cần phân định rõ vận tải khách cố định và hợp đồng bằng việc làm rõ, thống nhất khái niệm hợp đồng vận tải trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với xe hợp đồng, hiện còn nhiều tranh luận về hình thức đặt xe qua điện thoại. Đặt xe qua phần mềm, nhiều ý kiến cho rằng đây là hình thức hợp đồng vận tải, tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là hình thức đặt xe giống như hành khách đặt xe qua điện thoại tuyến cố định, không phải là một hình thức hợp đồng vận tải”, ông Quyền nói và khẳng định: “Hợp đồng phải bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử với đầy đủ các tiêu chí của hợp đồng kinh tế chứ không thể coi hình thức đặt xe là hợp đồng”.
Doanh nghiệp phải có lộ trình ứng dụng công nghệ
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh loại hình xe hợp đồng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Thiên Thảo Nguyên cho rằng, xe dù, bến cóc có nguyên nhân lớn từ dịch vụ bến xe không tốt nên doanh nghiệp phải mở văn phòng đàng hoàng, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho hành khách. Để hạn chế xe dù, bến cóc, cần áp dụng công nghệ để quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước cần bắt buộc các doanh nghiệp phải có lộ trình ứng dụng công nghệ để kiểm soát hành trình chuyến đi, danh sách hành khách.
“Cơ quan công an, tài chính hay ngành giao thông chỉ cần qua điện thoại có thể biết được xe này khởi hành giờ nào, có bao nhiêu khách, đi tuyến nào, có thể kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ chỉ cần có Nghị định quy định kết nối dữ liệu trực tuyến giữa các ngành công an, thuế là có thể kiểm soát được dòng tiền theo từng phút của doanh nghiệp. Đồng thời chỉ bằng điện thoại thông minh cơ quan Nhà nước có thể kiểm soát doanh nghiệp nộp thuế theo từng giây”, ông Tùng đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận