Bhutan là nơi Phật giáo thống trị |
Bhutan - quốc gia nhỏ bé với hơn 700 nghìn dân được xem như viên ngọc quý nằm trên dãy Himalaya, quốc gia duy nhất tự nhận mình là vương quốc hạnh phúc, lấy chỉ số hạnh phúc của người dân để đo lường sự phát triển.
Sân bay nguy hiểm nhất thế giới, đường băng ngắn nhất thế giới
Bhutan từng là mảnh đất gây tò mò bậc nhất trên toàn thế giới bởi nó được khóa kín giữa những ngọn núi và những đường biên giới, hiếm khi hé mở cho người ngoài bước vào khám phá. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi vị vua thứ 5 của Bhutan - người tốt nghiệp Đại học Oxford danh tiếng lên trị vì đất nước, Thiên đường cuối cùng (The last Shangri-la) trên thế giới - cách người ta gọi Bhutan bắt đầu mở cửa.
Bhutan không có chỗ cho người thích du lịch bụi hay đi phượt bởi không cấp visa tự do. Người nước ngoài chỉ có thể tới đây dưới dạng visa làm việc, kết hôn hoặc visa du lịch được xin bởi hàng trăm công ty du lịch nội địa sẵn sàng cung cấp dịch vụ cực tốt từ đặt vé máy bay, xin giấy phép du lịch đến hướng dẫn cho du khách tham quan. Khách Việt Nam tới Bhutan chưa nhiều nên nếu không đặt được tour du lịch của công ty thuộc sở hữu của người Việt tại Bhutan, có thể tham gia các chuyến đi với hướng dẫn viên nói tiếng Anh chuyên nghiệp.
Theo quy định của vương quốc hạnh phúc, mỗi ngày một khách du lịch phải chi tiêu cho ăn ở, đi lại 200 USD vào mùa thấp điểm (tháng 1 đến 2, tháng 6 đến tháng 8 và tháng 12) và 250USD vào mùa cao điểm. Nếu bạn có ý định đi Bhutan hãy sắp xếp hành lý để lên đường ngay bởi người dân đang kiến nghị Chính phủ yêu cầu nâng mức chi tiêu lên cao hơn nữa.
Để tới được Bhutan, hành khách có thể bắt chuyến bay từ Bangkok, Hongkong và Kalkata (Ấn Độ). Đường bay tới Bhutan chỉ có hai hãng hàng không của chính quốc gia này khai thác là Drukair (Royal Bhutan Airline) và Bhutan Airlines (hàng không tư nhân). Sân bay quốc tế Paro tại Bhutan là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới bởi nằm giữa địa hình núi non hiểm trở của dãy Himalaya và một đường băng duy nhất cũng thuộc danh sách những đường băng ngắn nhất thế giới. Hiện tại, chỉ có 8 phi công được cấp phép bay tại sân bay này.
Hạnh phúc tới từ đâu?
Người Bhutan vẫn rất thuần chất, người trẻ tuổi có sự hồn nhiên, trong sáng, lương thiện, người trung tuổi trải đời có sự từ bi và trí tuệ của Phật tử lâu năm. Trò chuyện với họ, chúng ta bị thu hút bởi năng lượng tích cực từ họ tỏa ra một cách âm thầm. Đi đường núi cả chục cây số, họ vẫn cười nói, ân cần giúp đỡ những người yếu mệt. Bhutan không có nhiều nơi giải trí ồn ào, sẽ rất khó để tìm một quán bar hay quán cà phê. Chính vì thế người Bhutan dành phần lớn thời gian rảnh để đọc sách hoặc tập luyện leo núi.
Hạnh phúc nơi đây còn xuất phát từ sự bình đẳng. Đàn ông và phụ nữ đều có sức khỏe và làm việc nặng ngang nhau. Trong hôn nhân, đàn ông được phép lấy 4 vợ và phụ nữ cũng được lấy 4 chồng. Tuy nhiên, đàn ông muốn lấy thêm vợ phải được sự đồng ý của người vợ đầu tiên. Mặc dù vậy, đàn ông và phụ nữ ở đất nước này sống độc thân khá nhiều, tỷ lệ ly hôn cũng xấp xỉ 50%.
Thiên đường huyền bí
Ngôi đền Paro Taktsang là một tòa kiến trúc nổi tiếng thế giới được xây dựng trên vách đá cheo leo |
Cũng tại quốc gia Phật giáo thống trị này, hơn 40% đàn ông đi tu. Ở các tu viện tôi đến thăm, gặp rất nhiều trẻ em, các em đều đi tu từ nhỏ. Đến năm 18 tuổi, các em sẽ được tự lựa chọn tiếp tục tu hành hay trở về với cuộc sống đời thường.
Điều đáng chú ý là đền thờ và tu viện của Bhutan không bao giờ thiếu kinh luân xoay (mani hay còn gọi là bánh xe luân hồi). Đây được coi là pháp bảo của Mật tông. Người dân Bhutan thường tới quay đủ kinh luân xung quanh đền, miệng niệm chú Ommani padme hung. Người ta tin tưởng mạnh mẽ rằng, chỉ cần chạm tay vào và quay kinh luân thôi cũng đã tịnh hóa được vô số tội lỗi và tích tập được một lượng công đức.
Một trong những địa điểm nhất định phải tới ở Bhutan là ngôi đền Paro Taktsang hay Tiger’s nest (Hang Cọp) nằm chơi vơi trên vách đá của thung lũng Paro - nơi Guru Rinphoche (ngài Liên Hoa Sinh - người truyền bá đạo Phật vào Bhutan) đã ngồi thiền ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ vào thế kỉ thứ VIII. Đây cũng là ngôi đền đặc biệt linh thiêng đối với Phật giáo vùng Tây Tạng, hành thiền tại đây dù chỉ một phút thôi cũng có thể đạt được kết quả ngang với hành thiền hàng tháng ở những nơi khác.
Để tới được đây, du khách cần leo núi khoảng 2-3 giờ, hang núi nơi ngài Liên Hoa Sinh thiền chỉ được mở cửa một lần/năm vào tháng 2 để mọi người vào chiêm bái. Thung lũng Paro buổi sáng cũng là địa điểm năng lượng phát ra mạnh mẽ, những người nhạy cảm có thể lập tức cảm nhận được ngay vì thế nếu có thời gian, hãy dậy sớm, ngồi thiền và kết nối năng lượng của bạn với nguồn năng lượng khổng lồ này.
Nếu bạn là người thích mua sắm, tốt nhất đừng tới Bhutan. Đất nước này chỉ hợp với những người có khả năng tài chính, thích đi du lịch, yêu thích khám phá văn hóa, đạo Phật, có sức khỏe, sức bền và chịu đựng được đi bộ đường dài…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận