Hình minh họa |
Những ngày này, câu chuyện mẫu máu của 42 người dân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ nhiễm HIV, trong đó có cả em bé 18 tháng tuổi, cụ bà 80 tuổi, người phụ nữ chỉ quanh quẩn trong làng mà chồng con không bị đang gây rúng động dư luận.
Hiện, cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, làm rõ nguyên nhân nhưng nghi vấn của người dân thì đang dồn vào một “bác sỹ làng” tên Th. thường xuyên điều trị cho họ khi ốm đau. Trước nghi vấn thường xuyên sử dụng chung kim tiêm cho các bệnh nhân, ông Th. đã phủ nhận. Tuy nhiên, đến lúc này, người dân mới ngỡ ngàng khi vị “bác sỹ làng” họ tin tưởng bấy lâu nay này chỉ là y sỹ "nâng đời" từ điều dưỡng viên của trung tâm y tế dự phòng huyện và chưa được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh.
Cũng khoác áo “bác sỹ làng” được người dân tin tưởng, y tá Hoàng Thị Hiền (SN 1969, quê Khoái Châu, Hưng Yên) chỉ là một y sĩ, không có giấy phép hoạt động, không đủ trình độ chuyên môn khám chữa bệnh nhưng vẫn làm chủ một phòng khám, trực tiếp làm thủ thuật bao quy đầu cho 103 cháu nhỏ. Bà Hiền đã được khởi tố điều tra, sử dụng dụng cụ y tế khám chữa bệnh không đảm bảo tiệt trùng khiến 103 bé trai mắc bệnh sùi mào gà, tổn thương cơ thể từ 6-25%.
Tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong điều kiện cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu, người dân ít kiến thức về y tế, chủ quan, ngại đến viện tốn kém chi phí, mất thời gian đi lại xa xôi thì các “bác sỹ làng” rất được tín nhiệm. Chỉ một cán bộ y tế về hưu, y sĩ, nữ hộ sinh, y tá, dược tá, thậm chí là người nhà của y tá cũng khám bệnh, kê đơn thuốc, thậm chí làm các thủ thuật như tiêm, truyền. Nhiều trường hợp, để khẳng định uy tín của mình, người khám bệnh còn kê các loại kháng sinh nặng hoặc quá liều để bệnh nhanh khỏi. Và do thiếu hiểu biết, bệnh nhân lại cho rằng, phòng khám đó kê thuốc rất “nhạy” nên đổ đến đó khám đông hơn.
Hoặc phổ biến nhất là tình trạng “bác sỹ làng” cho truyền dịch vô tội vạ, cứ thấy bệnh nhân mệt mỏi, choáng váng là “truyền chai đạm cho khỏe người”. Trong khi đó, truyền dịch là một kỹ thuật đơn giản nhưng ở những điều kiện không đạt chuẩn có thể khiến bệnh nhân nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh như: Viêm gan B, viêm gan C, HIV… Đã có nhiều bệnh nhân bị vỡ tĩnh mạch, thậm chí sốc dẫn đến tử vong chỉ vì tiêm truyền không đúng kỹ thuật ở những nơi khám chữa bệnh không phép này.
Thân phận bệnh nhân nông thôn, vùng sâu, vùng xa phập phồng trước nguy cơ tai biến, lây nhiễm bệnh và di chứng khó lường khác khi không được điều trị đúng cách là thực trạng vẫn đang tồn tại. Ngoài lý do người dân điều kiện kinh tế khó khăn, không được tiếp cận đầy đủ kiến thức về chăm sóc sức khỏe, thì còn do ngành Y tế đã và đang thiếu vắng đội ngũ y tế cơ sở, các bác sỹ tốt chuyên môn, giàu kinh nghiệm ở cơ sở. Đây cũng là lý do dẫn đến thực trạng quá tải triền miên ở các bệnh viện tuyến trên, tạo nên một bài toán cần ngành Y tế sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân ở mọi vùng miền đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận