Quản lý

Biển báo rành mạch, lái xe hết sợ bị phạt oan

21/05/2017, 08:18

Nhiều quy định gây tranh cãi, thậm chí khiến lái xe bị phạt oan do bất cập biển báo trước đây đã giảm...

9

Xe ở làn trong dù đi nhanh hơn xe làn bên trái nhưng vẫn trong tốc độ cho phép sẽ không bị bắt lỗi vượt phải - Ảnh: Khánh Linh

Giảm áp lực biển báo

Anh Nguyễn Hữu Tuyến, nhà xe Lệ Sơn, chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên chia sẻ, trước đây sợ nhất là bị CSGT dừng xe thông báo lỗi vượt phải, xe dồn hết về một làn đường trong khi làn bên cạnh hoàn toàn trống trải. “Hiện, quy chuẩn quốc gia mới không quy định phạt điều này, lái xe sẽ mạnh dạn chuyển làn nếu đường trống nên thoải mái hơn nhiều, lại bớt kẹt xe. Lái xe không phải nơm nớp sợ nữa”, tài xế Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ.

Ở góc độ người tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn Otofun cho biết, rất nhiều chủ phương tiện chia sẻ trên các diễn đàn xã hội bày tỏ vui mừng khi có quy chuẩn biển báo mới. Điểm dễ nhận thấy nhất tại QCVN 41:2016/BGTVT là các biển báo hiệu, biển báo cấm, biển hiệu lệnh... đã rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu hơn rất nhiều theo hướng “nhìn biển thế nào đi thế nấy”, người dân dễ dàng lưu thông hơn. “Lái xe bớt phải “đoán mò” và gây ra tranh cãi, thậm chí bị phạt oan như trước”, ông Thắng nói.  

Quy chuẩn 41:2016 cũng đưa ra lộ trình thay thế hệ thống báo hiệu cũ. Theo đó, các biển báo có nội dung và ý nghĩa sai khác, không đúng với quy chuẩn này thì phải được thay thế ngay; biển báo có nội dung chưa hoàn toàn phù hợp nhưng không gây hiểu lầm, hiểu sai khác và còn sử dụng được thì thay thế dần, hoàn thành trước 20/8/2019; biển báo có ký hiệu, biểu tượng, kích thước chưa hoàn toàn phù hợp nhưng không gây hiểu lầm, hiểu sai khác được thay thế dần, hoàn thành trước 20/8/2025. 

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN) năm 2012 bộc lộ nhiều bất cập, có nhiều điểm khiến tài xế dễ mắc lỗi, tạo ra một số mâu thuẫn giữa người điểu khiển phương tiện với lực lượng thực thi công vụ. Chính vì vậy, cuối năm 2016, Bộ GTVT ban hành QCVN 41:2016/BGTVT với nhiều thay đổi, giúp các nhà quản lý và người tham gia giao thông thực hiện Luật GTĐB thuận lợi hơn. Định nghĩa lại lỗi vượt phải, cấm rẽ trái không cấm quay đầu; Xe bán tải, xe ô tô chở hàng có tải trọng ghi trong đăng kiểm dưới 1,5 tấn được coi là xe con; Biển báo sẽ hết tác dụng nếu qua giao lộ không cắm biển nhắc lại… là những quy định mới rất rõ ràng, khắc phục được những thiếu sót gây tranh cãi ở quy chuẩn trước đây.

Một điểm rất đáng ghi nhận là khái niệm “vượt phải”, một trong những vấn đề dễ gây tranh cãi gay gắt từ trước đến khi có quy chuẩn mới. Lý giải rõ hơn về khái niệm này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) phân tích, trước đây phía CSGT cho rằng, chỉ cần vượt phía bên phải xe khác là “vượt phải”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến, nhất là từ phía các tài xế cho rằng, họ chỉ chuyển sang làn bên phải nên không vi phạm. Theo ông Lăng, quy chuẩn mới quy định  rõ: “Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật GTĐB”.

“Như vậy, chỉ cần đường có 2 làn xe trở lên mỗi chiều, tài xế được phép chuyển sang làn bên phải và di chuyển theo tốc độ cho phép. Quy chuẩn cũng chỉ rõ cách vượt xe đúng quy định: Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường. Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc GTĐB”, ông Lăng khẳng định.

Quy chuẩn mới cũng quy định cụ thể biển báo “khu đông dân cư” sẽ phải nhắc lại sau giao lộ, nếu không sẽ mặc nhiên hết hiệu lực. Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài, tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại, biển hiệu lệnh mặc nhiên xem là hết hiệu lực.

Cần lộ trình thay thế biển báo, vạch sơn cũ

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho biết, hiện nay, việc thay hết các biển báo hay sơn kẻ đường theo QCVN 41:2016/BGTVT chưa kịp thời còn gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ví dụ, lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường và sai làn còn nhiều tranh cãi vì chưa có biển phân làn chuẩn. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn nhiều người tham gia giao thông còn trăn trở là khi quy chuẩn mới được ban hành và đã có hiệu lực, những biển báo cũ chưa được thay thế theo quy chuẩn mới, người tham gia giao thông phải đi theo biển báo cũ hay theo quy chuẩn mới.

Lý giải vấn đề này, ông Vũ Ngọc Lăng cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, thay thế biển báo, sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, hộ lan mềm tại các vị trí bất cập theo QCVN 41:2016/BGTVT. Đến nay, đã thay thế, bổ sung 1.100 biển báo, tiêu hướng dẫn, sơn kẻ lại vạch sơn hơn 500km, sửa chữa, bổ sung 62km tôn lượn sóng. Tuy nhiên, theo ông Lăng, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử, với khoảng 22.000km quốc lộ, hơn 57.000km đường đô thị và đường tỉnh, việc thay thế toàn bộ vạch sơn tim từ màu trắng thành màu vàng ngay để tuân thủ quy chuẩn mới sẽ gây lãng phí không cần thiết, nhất là đối với các tuyến vạch sơn còn tốt.

“Trước mắt, tổng cục ưu tiên thay thế các đoạn tuyến có vạch sơn bị mòn, mờ mất tác dụng bằng các vạch sơn màu vàng theo QCVN 41:2016/BGTVT. Các đoạn tuyến chưa được sơn kẻ đường theo quy chuẩn mới, người tham gia giao thông căn cứ tính chất đứt nét, liền nét để tham gia giao thông, trong trường hợp chưa thay được, không căn cứ vào kích thước, màu sắc”, ông Lăng khẳng định.

“Tổng cục Đường bộ VN đã làm việc với Cục CSGT thống nhất giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung mới tại QCVN 41:2016/BGTVT. Trong quá trình thực hiện lộ trình thay thế báo hiệu theo QCVN 41:2016/BGTVT, người tham gia giao thông khi lưu thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu trên đường”, ông Lăng nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.