Suốt 6 năm, với thái độ mềm mỏng và có chút khúm núm, ông Duterte đã tìm kiếm sự hợp tác và nhượng bộ kinh tế từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thay đổi thái độ trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, còn mục đích kinh tế của Philippines cũng không đạt được.
Liệu khi Philippines có lãnh đạo mới, quan điểm của Manila có thay đổi?
Tổng thống Philippines sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte (trái) là người quan điểm gạt bỏ tranh chấp trên Biển Đông để hợp tác kinh tế với Trung Quốc
Những kỳ vọng không thành của ông Duterte
Năm 2016, sau 3 năm xem xét đơn kiện với 4.000 trang tài liệu chứng cứ từ Philippines và hai lần phân xử, Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) chính thức ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tại thời điểm Manila đang ở thế có lợi như vậy, ông Rodrigo Duterte lên nhậm chức và bất ngờ gạt phán quyết sang một bên, coi nhẹ tầm quan trọng vì muốn giành được sự nhượng bộ về kinh tế từ Bắc Kinh.
Đồng thời, lãnh đạo Manila cũng thừa nhận Philippines không đủ lực để đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Biển Đông là một trong những tuyến đường vận tải biển bận rộn nhất thế giới, là cửa ngõ quan trọng nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và có ý nghĩa sống còn với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Vì vậy, việc duy trì môi trường hòa bình tại vùng biển này là thiết yếu với khu vực.
Theo kênh tin tức CNBC, bất chấp đường lối mềm mỏng đó, những năm qua, Trung Quốc tiếp tục xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên biển, đưa tàu đánh cá, tàu dân quân ra Biển Đông gây căng thẳng bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.
Báo cáo tháng 12 của Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cũng đánh giá, chưa kể, trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Duterte, nhiều lời hứa hẹn đầu tư hạ tầng của Trung Quốc với Philippines đã không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh một lần nữa lại nóng dần vì vấn đề Biển Đông.
CNBC dẫn cảnh báo của một nhóm các nhà khoa học cho rằng, ngành sản xuất thủy sản của Philippines (với 27% năng suất đánh bắt là từ Biển Đông) đang đứng trước đe dọa vì hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển này.
Cùng lúc, căng thẳng với Trung Quốc đã cản trở những nỗ lực khai thác dầu khí của Philippines tại đây, gây ra tác động nghiêm trọng với khả năng đảm bảo an ninh năng lượng của Philippines, trong bối cảnh nguồn cung cấp khí tự nhiên chính để sản xuất năng lượng tại nước này gần cạn kiệt.
Thời gian gần đây, đã có không ít quan chức trong chính quyền ông Duterte lên tiếng phản đối sự hiện diện trái phép của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông.
Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr trực tiếp viết một chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, chỉ trích thẳng Bắc Kinh khi hai nước đang tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Trong đó, ông Teodoro Locsin Jr cáo buộc Trung Quốc đang bóp méo tình hữu nghị với Philippines.
Câu hỏi hóc búa chờ người kế nhiệm Duterte
Cựu Thượng Nghị sĩ Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. dẫn đầu đường đua Tổng thống, có quan điểm “cân bằng” trong quan hệ với Mỹ - Trung Quốc
Ông Peaches Lauren Vergara, người đứng đầu bộ phận tình báo chiến lược tại Công ty nghiên cứu và tư vấn Amador Research Services nhận định, giữa bối cảnh này, kịch bản được mong chờ nhất tại Philippines là sự thay đổi của tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 tới.
Viết trong báo cáo tháng 12, đăng trên trang của Viện Chiến lược chính sách châu Á, ông Vergara cho rằng, Tổng thống Philippines kế nhiệm nên tránh thái độ chủ bại của lãnh đạo tiền nhiệm. Đồng thời, đưa ra những thách thức cứng rắn hơn với những tuyên bố chủ quyền từ Trung Quốc.
Trước nhận định trên, cả Bộ Ngoại giao Philippines và Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore và Philippines đều chưa bình luận.
Theo một số nhà phân tích, dường như những ứng viên trong cuộc đua Tổng thống Philippines có thái độ ủng hộ Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự lạnh nhạt từ người dân.
Tính đến thời điểm này, cựu Thượng Nghị sĩ Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đang dẫn đầu thăm dò dư luận mới nhất về các ứng viên Tổng thống. Theo khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2021 do đơn vị thăm dò độc lập Pulse Asia thực hiện, 53% người được hỏi đã chọn ông Marcos Jr. là ứng cử viên Tổng thống ưa thích.
So với ông Duterte, ứng viên Marcos Jr. hứa hẹn, nếu được bầu, ông sẽ tìm kiếm “mối quan hệ cân bằng hơn” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đây lại chính là câu hỏi hóc búa mà người làm lãnh đạo Philippines tương lai phải tìm ra lời đáp khi cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, còn Philippines đang ở vị thế đầy thách thức.
Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế đánh giá, đất nước Đông Nam Á có hiệp ước quốc phòng với Mỹ nhưng lại có quan hệ đối tác kinh tế lớn nhất với Trung Quốc nên sẽ rất khó để Manila có thể cân bằng được cán cân Trung Quốc - Mỹ.
“Đến nay, Manila vẫn đang rào chắn tốt. Nhưng sớm thôi, họ sẽ khó có thể giữ được cân bằng khi Bắc Kinh ngày càng kiên quyết với tham vọng trong khu vực còn Washington ra sức đẩy lùi”, một báo cáo của tổ chức nghiên cứu này cho biết.
Tổ chức Eurasia Group cho rằng, Philippines không thể tự mình giải quyết vấn đề Biển Đông mà nên phối hợp với các nước láng giềng về các vấn đề cùng quan tâm, thúc đẩy hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc để quản lý căng thẳng hàng hải, đồng thời duy trì mở kênh ngoại giao với Bắc Kinh để giảm bớt hiểu lầm, giảm thiểu rủi ro leo thang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận