Xã hội

Biển miền Trung an toàn, nhưng chưa khẳng định “cá sạch”

23/08/2016, 08:03

Sáng qua (22/8), tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh ven biển miền Trung...

7

Trưa 22/8, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xuống tắm ở bãi biển Cửa Việt (Quảng Trị), sau đó thưởng thức hải sản ở bãi biểnCửa Việt - Ảnh: Quang Hà

Sáng qua (22/8), tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh ven biển miền Trung do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì, vẫn còn nhiều câu hỏi, băn khoăn từ chính lãnh đạo các địa phương, nhà khoa học, chuyên gia môi trường biển chưa thể giải quyết, liên quan đến hậu sự cố môi trường Formosa (Hà Tĩnh).

Biển "tự làm sạch", hầu hết an toàn

Kết quả đánh giá hiện trạng do GS.TS. Mai Trọng Nhuận (ĐH Quốc gia Hà Nội) và nhóm chuyên gia thực hiện qua 6 phương pháp tiếp cận, quan trắc nước biển (tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy) trầm tích, màng bám keo tụ, hệ sinh thái và sinh vật biển; cùng hơn 210 điểm lấy mẫu, cho thấy môi trường biển, các hệ sinh thái, nhóm sinh vật  thời gian qua chịu ảnh hưởng lớn sau sự cố Formosa. Điển hình trong tháng 4, 5, các rạn san hô bị ảnh hưởng mạnh nhất với 100% mẫu trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Các thông số sắt, phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây sự cố môi trường) trong tháng 5, có 3,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình…

Tuy nhiên, theo GS.TS. Mai Trọng Nhuận, đến nay, môi trường biển miền Trung chuyển biến, phục hồi tích cực. Các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản. TS. Schroe der, chuyên gia Viện Công nghệ môi trường biển Đức đánh giá phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao. Thông số xyanua đã giảm xuống dưới mức cho phép của Việt Nam, thông số về phenol trong nước biển dù còn nhưng hàm lượng đã giảm đáng kể.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hiện tại hầu hết các vùng biển miền Trung đều đã an toàn. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy diễn biến chất lượng nước biển, diễn biến liên quan đến mô hình hệ sinh thái đang có chiều hướng tích cực. Với những quy luật về thủy lực, động lực học cũng như xét về mặt kiến tạo có thể khẳng định, khu vực vùng biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải những chất ô nhiễm như phenol, xyanua, hydroxit Fe2…

Khi nào đánh được "cá sạch"?

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia chưa hài lòng với kết quả công bố chất lượng nước biển. PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp, Đại học Huế cho rằng: “Các kết luận mang tính chung chung” và “chưa phản ánh hết thực trạng vấn đề”. “Đã là báo cáo hiện trạng thì phải có thông tin về nguồn ô nhiễm, hội nghị cần giải thích bản chất vấn đề cá chết là gì? Do phenol, do xyanua hay từ nguồn độc tố nào? Nếu do phenol, xyanua hay sắt thì bộ phận nào của Công ty Formosa gây nên?, ông Hợp truy vấn và đề nghị cần làm rõ căn cứ thời gian, đối tượng so sánh (trước thời điểm hiện trạng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt - PV).

Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Mỗi lần chúng tôi đi kiểm tra hiện trạng môi trường biển, ở đâu người dân cũng hỏi “Biển đã an toàn chưa? Cá biển đã ăn được chưa? Nước biển có an toàn để tắm không? Chỉ khi các nhà khoa học công bố kết quả đánh giá, phân tích hiện trạng môi trường biển thì mới có cơ sở để người dân tin tưởng".

Cùng trăn trở này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân đề nghị, các cơ quan chức năng công bố cho người dân biết vùng biển trung bờ (khoảng 20-50 hải lý) khi nào thì đánh bắt được hải sản. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: Bộ, ngành chức năng cần đưa ra các dự báo cho tương lai gần cũng như tương lai xa về môi trường biển, có thông báo về cơ chế tự phục hồi của môi trường biển: Độc tố trong nước biển sẽ bay hơi, hòa tan hay sẽ đi đâu, về đâu?

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, thay vì điều tra trên diện rộng, công tác quan trắc cần tập trung những điểm nóng và chưa nóng về môi trường, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là câu hỏi từ địa phương như tắm biển được chưa, tắm ở đâu, đánh cá được chưa, đánh khu vực nào, ăn cá an toàn hay chưa?

Nhấn mạnh những nội dung người dân quan tâm là chính đáng nhưng Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, bản báo cáo chưa thể giải đáp hoàn toàn các câu hỏi mà mới chỉ cung cấp những thông số quan trọng về chất lượng nước biển hiện tại, các quy luật tự làm sạch của biển...

Đại diện Bộ Y tế cho biết: Từ tháng 6 đến nay, Bộ này đã phối hợp với Bộ NN&PTNT lấy mẫu hải sản giám sát chất lượng. Kết quả giám sát bước đầu cho thấy, chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần, nhưng cũng chưa thể đưa ra “kết luận cuối cùng”. Phần mình, đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, sẽ căn cứ vào công bố hôm nay để giao Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các khu vực mà ngư dân có thể khai thác hải sản, đảm bảo an toàn. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, sẽ sớm cung cấp cho Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế những tài liệu chi tiết về kết quả nghiên cứu chất lượng môi trường biển để các bộ này sớm có phương án hỗ trợ ngư dân.

Kết quả đánh giá cho thấy, tại các khu vực biển cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (khoảng 160 km2), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện tỉnh đang tiến hành tập huấn triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức cá nhân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường từ cấp thôn xã, huyện nên vẫn chưa có số liệu cụ thể.

Văn Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.