Xã hội

Bộ Công an cần lên tiếng vụ "gạt tay trúng má phóng viên"

01/10/2016, 07:02
image

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng Bộ Công an cần lên tiếng vụ "công an gạt tay trúng má phóng viên".

cong an gat tay trung ma phong vien

Công an gạt tay trúng má phóng viên?

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội chính thức thông tin vụ xô xát xảy ra giữa chiến sĩ thuộc Đội hình sự Công an huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế - báo Tuổi trẻ trên cầu Nhật Tân vào chiều 23/9 vừa qua.

Theo đó, cơ quan CSĐT xác định chiến sĩ cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng (23 tuổi, công tác tại đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh) có dùng tay gạt trúng vào má phóng viên Quang Thế và có hành vi giơ chân đá nhưng không trúng vào phóng viên. Còn một đồng chí khác là Nguyễn Văn Thuyên gạt tay vào một máy quay.

>>>Xem video cảnh công an mặc thường phục xô xát với phóng viên:

Kết luận của công an cho hay đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chiến sĩ Công an Ngô Quang Hưng, còn đối với Nguyễn Văn Thuyên do chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể đối với ai đã yêu cầu kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, PV báo Tuổi trẻ phải nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 6 hành vi vi phạm, tổng mức xử phạt hơn 14 triệu đồng.

bo-truong-khien-quoc-hoi-cuoi-nghieng-nga-toi-tra-

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đã đến lúc Bộ Công an lên tiếng để trấn an dư luận

Ngay sau khi kết luận điều tra được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh vụ việc này.

Dưới góc độ của ĐBQH - người đại diện cho tiếng nói cử cử tri, của nhân dân, ĐBQH khoá XIV Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, trong sự việc này, việc xem xét xử lý đã không đúng thực tế và bản chất vụ việc.

“Tôi và các bạn không ai có mặt ở hiện trường nhưng hành vi xảy ra khi đó thì đã được phóng viên ghi lại và lan truyền rất nhanh trên mạng. Và đặc biệt báo Tuổi trẻ cũng đăng cả clip rồi. Tôi rất lấy làm tiếc vì không hiểu lãnh đạo công an Hà Nội xem xét, xử lý vụ việc này có xem clip đó không, không xem thì là việc đáng tiếc, vì rõ ràng việc xử lý của Công an Hà Nội không đúng với bản chất vụ việc. Thực tế xảy ra tại hiện trường hoàn toàn khác” – ông Cương bày tỏ quan điểm.

neu-hom-do-nha-bao-danh-lai-cong-an

Hình ảnh ghi lại hiện trường vụ công an (áo đen) xô xát với phóng viên báo Tuổi trẻ

Ông Cương chia sẻ, qua theo dõi thấy dư luận rất phản ứng với những gì xảy ra, và đặc biệt là việc xử lý của Công an Hà Nội. “Càng nghiêm khắc và nghiêm túc bao nhiêu thì người dân càng tin vào lực lượng Công an, nhưng nếu anh cố tình bóp méo sự thật thì chỉ làm mất hình ảnh của người công an mà thôi” – ông Cương nói.

Về cách giải thích của lãnh đạo Công an TP Hà Nội, cho rằng hành động của công an chỉ là gạt tay vào má phóng viên”, ông Cương nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng rất nhiều người khác đều không tin vào cách giải thích đó. Thật khó có thể nói cái gạt tay mà khiến phóng viên chảy máu mồm.

“Nếu cứ cố tình giải thích như thế là không căn cứ vào sự thực xảy ra. Thực tế khi phóng viên đến, không có bất cứ một biển cấm nào, bất cứ khu vực cảnh giới nào để ngăn chặn đối với các lực lượng khác xâm phạm hiện trường. Khi anh không làm việc đó thì không thể xác định là phóng viên vi phạm, rồi xử sự như thế. Tôi không đồng tình với cách hành xử kiểu “tôi thích thì cho vào, không thích thì không được vào”. Tôi nghĩ cách hành xử đó không đúng quy định và không đúng với văn hóa” – ông Cương nêu quan điểm.

Về kết quả xử lý, khi 2 chiến sĩ cảnh sát hình sự một người bị kỷ luật, một người bị phê bình nhắc nhở, còn phóng viên bị xử phạt hành chính lên tới hơn 14 triệu đồng, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, do sự việc không được nhìn nhận đúng bản chất, không đúng với thực tiễn diễn ra nên cách xử lý cũng không đúng với các hành vi sai trái của người công an mặc thường phục. Còn việc xử lý phóng viên cần có căn cứ rõ ràng, nếu anh không đặt biển cấm, không có hàng rào căng dây để cảnh báo đó là khu vực cấm thì anh không thể xử phạt khi người ta đi vào được.

>>>"Công an, dù gạt tay hay đánh phóng viên đều... không bình thường”

Hơn nữa, việc xử  lý hành chính như vậy cũng không đúng với luật hành chính. Khi sự việc xảy ra, phải lập biên bản ở hiện trường, trên cơ sở đó mới xử phạt được. Không có biên bản mà xử phạt là trái luật.

“Tôi nghĩ một vụ việc rất nhỏ, nếu xử lý đúng mức thì không đến mức phải đến Bộ công an phải lên tiếng. Nhưng đây là vụ việc liên quan đến uy tín, hình ảnh của CAND, nếu Công an Hà Nội cứ vẫn giữ nguyên quan điểm xử lý như vậy thì đã đến lúc lãnh đạo Bộ Công an phải lên tiếng và có cách xử lý vụ việc thì mới hợp lòng dân, trấn an dư luận” – ông Cương nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.