Bộ Công an khẳng định không có chuyện bỏ hộ khẩu. |
Sáng 7/11, Bộ Công an tổ chức họp báo để thông tin với các cơ quan báo chí về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.
Mở đầu buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập hợp thông tin cơ bản nhất của con người, và công dân ngày nào cũng cần dùng đến nó trong các thủ tục liên quan đến y tế, giáo dục... Sau này, tiến tới thay thế, sẽ cấp cho mỗi người một mã số định danh, người dân đến giao dịch ở bất cứ cơ quan hành chính nào thì họ sẽ vào máy tính tra mã số đó. Thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu, nhưng quản lý bằng công nghệ thông tin, chứ không phải bỏ sổ hộ khẩu.
“Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Chúng ta tiến tới bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy đi, nhưng công an vẫn phải quản lý”, ông Vệ khẳng định và cho biết, sau này khi thu thập xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, chỉ cần mã số định danh.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, đây là bước đơn giản thủ tục hành chính, còn về bản chất, hộ khẩu quản lý con người, và ở các nước không nước nào bỏ sổ hộ khẩu cả, chỉ là bỏ giấy tờ, quản lý bằng công nghệ.
“Do vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ CMND là thông tin không chính xác”, tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh.
Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ CMND là thông tin không chính xác |
Theo Trung tướng Vệ, Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ năm 2012 nhưng rất khó khăn về kinh phí, phải cần trên 3.000 tỷ. Vừa qua Chính phủ giao Tập đoàn Viettel ứng vốn, cơ quan chức năng được giao đã thiết kế kỹ thuật, tới đây sẽ triển khai tới toàn quốc, sau đó tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm việc này.
“Tới đây Bộ Công an sẽ triển khai toàn quốc, rồi tập huấn cho toàn bộ lực lượng công an cấp tỉnh, huyện, phường, xã, thị trấn, sau đó phát bản kê từng hộ gia đình để họ đối chiếu với dữ liệu của mình, cùng công an địa phương xác thực, sau đó lãnh đạo công an địa phương ký vào, rồi cho nhập dữ liệu. “Chính phủ giao hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong 2 năm nhưng chúng tôi phấn đấu làm xong trong khoảng 2-3 năm, vì giờ huy động phải hàng vạn cán bộ”, tướng Vệ thông tin.
Theo ông, việc cấp mã số định danh dữ liệu phải hết sức chuẩn xác, không được có sai sót gì, chỉ cần sai một chữ tên đệm cũng phải đối chiếu lại. Và việc chuyển từ giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, Bộ Công an đã chuẩn bị mọi công việc trong lĩnh vực này.
Theo Nghị quyết 112 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an có hiệu lực từ tháng 10/2017, một số thủ tục sẽ được bãi bỏ. Cụ thể, với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã), sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Việc giải quyết thủ tục “sổ hộ khẩu” sẽ thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Nghị quyết 112 nêu phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “sổ tạm trú” cùng hàng loạt thủ tục khác liên quan sổ hộ khẩu như tách sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã), cấp đổi sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); cấp lại sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã)... Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Nghị quyết 112 bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, "đây là thay đổi nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính chứ không phải bỏ quản lý". |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận