Vận tải

Bộ GTVT lần đầu nhượng quyền khai thác đường sắt cho doanh nghiệp

22/01/2015, 19:26

Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý thí điểm nhượng quyền cho DN khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng.

  

IMG_4325
Bộ trưởng Đinh La Thăng nghe Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN báo cáo tình hình xã hội hóa đầu tư đường thủy

Thí điểm cơ chế đặc thù kết nối đường sắt- đường thủy

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp chiều ngày 22/1, ông Nguyễn Thủy Nguyên- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty (TCT) Vận tải thủy nêu khó khăn trong việc phát triển vận tải thủy từ Lào Cai đến Hải Phòng là thiếu sự kết nối giữa đường thủy và đường sắt. Bên cạnh đó, luồng chạy tàu trên sông Hồng từ Việt Trì – Hà Nội trong mùa nước cạn không ổn định nên giá thành vận tải thủy chỉ bằng 1/10 so với đường bộ vẫn không thu hút được hàng hóa.

Doanh nghiệp mong muốn có được sự kết nối với đường sắt và đầu tư nạo vét luồng, xây dựng cầu Đuống mới để đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông thuận lợi.  TCT Vận tải thủy cam kết sẽ dùng tiền lãi để đầu tư vào dự án xây cầu Đuống.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy kết nối vận tải thủy với đường sắt, đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ thí điểm nhượng quyền khai thác đường thủy, đường sắt tuyến Lào Cai – Hải Phòng cho TCT Vận tải thủy- CTCP.

Cụ thể là thí điểm chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác đường thủy các tuyến sông Ninh Cơ, Đáy, sông Hồng (đến Việt Trì) và quyền khai thác vận tải đường sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cho Tổng công ty Vận tải thủy, nhằm tạo sự chủ động kết nối tốt nhất giữa vận tải thủy và đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng. Quyền khai thác đối với các tuyến sông mà doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng gồm cả: nạo vét đảm bảo chiều sâu luồng, nạo vét duy tu hàng năm…

Đồng thời, giao TCT vận tải thủy làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Đuống (sông Đuống) để giải quyết vấn đề tàu thuyền bị cản trở lưu thông do tĩnh không cầu Đuống hiện tại quá thấp như hiện nay. Và để hoàn vốn cho dự án xây dựng cầu, Bộ trưởng đồng ý cho phép nghiên cứu thu các loại phí liên quan mà dự án này mang lại lợi ích.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án kết nối vận tải sắt, thủy, bộ tuyến Lào Cai – Hải Phòng và trong quý I hoàn thành trình duyệt, phê duyệt, trong đề án phải có các phương án tài chính, thu phí để hoàn vốn và cơ chế ưu đãi.

Thoái hết vốn tại các công ty cổ phần

Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục bán toàn bộ phần vốn Nhà nước còn lại tại các công ty quản lý đường sông đã được cổ phần hóa và TCT Vận tải thủy nhằm tạo sự chủ động hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời rà soát và bán tiếp những cảng, bến thủy mà nhà nước đang giữ vốn.

“Không có lý gì mà cước vận tải đường thủy bằng 1/10 đường bộ mà lại không thực hiện được vận chuyển bằng đường thủy”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu vấn đề. 

Theo Bộ trưởng, nước ta chủ yếu 2 khu vực có hoạt động vận tải thủy tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long tương đối tốt và sẽ tốt hơn nếu hoàn thành dự án kênh Chợ Gạo và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu. Ngoài bắc thì vận tải thủy chưa phát huy được nhiều.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các bộ phận chức năng đảm bảo các dự án xã hội hóa được vận hành thuận lợi. Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì triển khai ngay Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, xây dựng dự thảo thông tư về thu phí giao thông trên luồng đường thủy và rà soát các văn bản liên quan đến đầu tư, phát triển hạ tầng. 

Bộ trưởng yêu cầu Ban Hợp tác công - tư PPP cùng Cục Đường thủy nội địa VN, các Vụ liên quan thực hiện ngay bước chọn chủ nhà đầu tư dự án đầu tư nâng cấp Kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), dự án nâng cấp tuyến luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt đến ngã ba Bến Súc… thuộc danh mục dự án xã hội hóa năm 2015-2016. Đồng thời, đăng danh sách các danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư xã hội hóa đã được nêu trong đề án huy động nguồn vốn xã hội hóa đã được  Bộ GTVT phê duyệt

Trước vấn đề có nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét nhưng chỉ có vài dự án được triển khai, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN công bố luồng đường thủy theo luật đường thủy nội địa, đồng thời rà soát các dự án nạo vét đảm bảo luồng kết hợp tận thu sản phẩm với yêu cầu thu hồi các dự án đã được chấp thuận nhưng đã quá thời hạn mà chưa triển khai.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu bộ phận chức năng thực hiện ngay cải cách hành chính, thủ tục đối với phương tiện vận tải qua lại giữa biên giới VN- Campuchia, không để xảy ra tình trạng phương tiện phải chờ đợi 4-5 tiếng chỉ vì lý do sự khác nhau về thời gian làm thủ tục xuất, nhập cảnh giữa hai nước.

Theo báo cáo Cục Đường thủy nội địa VN, năm 2015-2016 có 2 dự án quan trọng được kêu gọi đầu tư từ vốn xã hội hóa là kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa 845 tỷ đổng), Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến ngã ba Bến Sức (tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội là 850 tỷ).

Ông Hoàng Minh Toàn- Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Cục đã hoàn thành dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào hạ tầng đường thủy và đang chờ Bộ Tài chính đang thẩm định thông tư về thu phí  đối với dự án cải tạo cầu đường sắt Bình Lợi.

 Huy Lộc

 

.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.