Quản lý

Bộ GTVT nói gì về kiến nghị mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam?

19/03/2024, 10:30

Việc đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch là cần thiết khi nhu cầu vận tải tăng cao và cân đối được nguồn vốn.

Phản hồi kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam, tăng số làn đường đảm bảo cho xe lưu thông, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 2.063km (đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài khoảng 99km), quy mô 4-10 làn xe (đoạn qua tỉnh Thanh Hóa có quy mô 6 làn xe), tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Bộ GTVT nói gì về kiến nghị mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam?- Ảnh 1.

Một đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bộ GTVT đã và đang triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2025, trong đó đoạn qua tỉnh Thanh Hóa với quy mô phân kỳ 4 làn xe đã hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2023. 

Khẳng định việc đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai là cần thiết, Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt vào thời điểm thích hợp khi nhu cầu vận tải tăng cao và cân đối được nguồn vốn.

Về kiến nghị đầu tư các tuyến giao thông kết nối với cao tốc Bắc - Nam của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT cho biết, trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư tổng số 7 nút giao thông để kết nối với các tuyến đường địa phương và các tuyến quốc lộ.

Đối với 5 tuyến đường địa phương kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, UBND tỉnh Thanh Hóa hiện đang triển khai đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Đối với 6 tuyến quốc lộ kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía đông, 1 tuyến đã đầu tư phù hợp theo quy hoạch, đảm bảo khả năng kết nối với các trục dọc, QL1 và Khu kinh tế Nghi Sơn.

Còn lại 4 tuyến, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua danh mục với nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách nên chưa thể cân đối bố trí vốn để đầu tư. Bộ GTVT ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn.

"Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ VN triển khai sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, hệ thống thoát nước... các tuyến quốc lộ kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía đông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2022 đến nay với kinh phí khoảng 360 tỷ đồng, bảo đảm khai thác an toàn và tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân", Bộ GTVT cho biết.

Liên quan đến kiến nghị đầu tư tuyến đường vành đai 3 nhánh Đông TP Thanh Hóa, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường này thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa và nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.