Mô hình phác thảo tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở Biển Hồ |
Những ngày gần đây, tại khu danh lam thắng cảnh Biển Hồ (khu vực tháp Đầu Rùa), các đơn vị thi công đã dùng máy móc san ủi và phá bỏ nhà Lục Giác - nơi người dân đến ngắm lòng hồ trong xanh. Việc phá bỏ nhà Lục Giác tồn tại hơn 20 năm tại đây khiến người dân rất quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (38 tuổi, trú tại P. Tây Sơn, TP. Pleiku, Gia Lai) băn khoăn vì khi phá ngôi nhà này và làm mới lại nhiều hạng mục sẽ làm “mất” đi những dấu ấn hiện hữu lâu nay. “Thời gian qua, tôi chứng kiến việc tỉnh Gia Lai xây lại hệ thống bờ kè khuôn viên khu vực thắng cảnh Biển Hồ, gần đây lại phá bỏ ngôi nhà Lục Giác để dựng tượng Phật lên. Từ một điểm danh thắng để mọi người dân có thể đến ngắm nhìn nay dựng tượng Phật lên và trở thành điểm tâm linh tín ngưỡng, điều này cũng có thể khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái khi đến nơi này để tham quan ngắm cảnh vì khi tôn tạo xong thì sẽ nặng về tâm linh”.
Anh Vũ Nguyễn Anh Chiến (27 tuổi) sống tại TP. Pleiku cho rằng, khi có tượng Phật thì đòi hỏi người dân phải chỉnh đốn, cẩn thận trong ăn mặc, nói năng. “Các bạn trẻ bây giờ có phong cách ăn mặc khá thoáng, nhiều khi đến các nơi du lịch mặc đồ hở một tí. Nhưng đến các điểm tâm linh thì người ta sẽ dè dặt hơn, người ta không thể mặc như thế để vào một điểm tâm linh được….”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng việc dựng tượng mới có thể phá vỡ cảnh quan hiện tại nhưng nhìn về lâu dài thì đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn. Giống như Đà Nẵng trước đây xây dựng bức tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát ở Sơn Trà, rất nhiều người đã tìm đến chiêm bái, thắp hương để thấy cảm thấy an lành hơn.
Nhà Lục Giác vọng cảnh đã bị phá huỷ |
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT& Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, Khu danh thắng Biển Hồ được công nhận cấp Quốc gia từ năm 1988. Thời gian gần đây được tôn tạo lại nhiều hạng mục trong quần thể để giúp người dân và du khách thuận tiện hơn khi đến đây tham quan, ngắm cảnh.
Theo ông Vũ, vào thời chính quyền VNCH, tại Biển Hồ đã dựng lên tượng Quán Thế Âm Bồ Tát để cho người dân tại Pleiku đến đây thưởng ngoạn và là nơi hương khói thờ tự. Tuy nhiên, do thời gian nên bức tượng QuánThế Âm Bồ Tát bằng xi măng xuống cấp hư hỏng nặng, ngã đổ sau đó. Di tích này chỉ còn đế tượng và một số hạng mục khác. Để giúp người dân tiện đến thăm quan ngắm cảnh, khoảng sau năm 1990, tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhà Lục giác (đài vọng cảnh) trên khu vực tháp Đầu Rùa tại khu vực Biển Hồ nước.
“Năm 2017, doanh nghiệp Quang Đức (Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức) đề nghị phục hồi lại bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng tiền của chính doanh nghiệp. Bức tượng được đục bằng đá quý ở Nghệ An, do các thợ ở Ninh Bình tạc với chiều cao cả đế 15m. Hướng nhìn của bức tượng nhìn về phía TP. Pleiku. Ước tính doanh nghiệp bỏ ra khoảng 7 tỉ đồng để hoàn thiện công trình này”, ông Vũ nói và cho biết thêm: “Khi doanh nghiệp tài trợ bức tượng này, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cơ quan chuyên ngành và TP. Pleiku tiến hành khảo sát. Sau khi được nhân dân và các cơ quan chức năng đồng thuận, doanh nghiệp Quang Đức đã được cấp phép xây dựng công trình này”.
“Khi bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát hoàn thành sẽ trở thành điểm thu hút người dân tới chiêm bái đồng thời tham quan ngắm cảnh “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”, Giám đốc Sở VH-TT& Du lịch tỉnh Gia Lai kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận