Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng - ảnh VGP |
Không trả phí môi trường rừng, không cho phát điện
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) về việc sau 1 năm triển khai Nghị quyết 62/2013 của QH về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện đến nay còn một số hạn chế như tỷ lệ thực hiện trồng bù diện tích rừng bị thu hồi thấp; hay việc trốn tránh nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng..., Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đã có báo cáo gửi QH đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 62, trong đó nêu ra tất cả những việc làm được và hạn chế.
Với sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và địa phương, ngoài 400 dự án thủy điện đã được loại bỏ từ trước khi có nghị quyết của QH, đã loại thêm 15 dự án nữa và đang tiếp tục xem xét loại bỏ một số dự án thủy điện chưa xác định được nguồn vốn.
Thứ hai, đã nâng cao nhận thức của các chủ đầu tư trong xây dựng các công trình, như kiểm định an toàn hồ đập. Cụ thể, đến nay chỉ còn 8% hồ đập chưa kiểm định. Đây là sự chuyển biến lớn sau khi có nghị quyết của QH. Đồng thời, một kết quả quan trọng khác là đã ban hành một loạt quy trình vận hành liên hồ chứa... Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công thương, vẫn còn có một số hạn chế, như việc trồng rừng bù và chi trả dịch vụ môi trường rừng.
"Chúng tôi đã kiểm tra các chủ dự án. Những dự án chây ỳ, không nộp chi trả dịch vụ môi trường rừng đã dùng phương án tạm thời chưa cho phát điện, tức là tạm thời rút giấy phép đến khi nào hoàn thành nghĩa vụ nộp chi trả phí dịch vụ môi trường rừng mới được phát điện. Đến nay đã rút giấy phép tạm thời, cảnh cáo 10 dự án", Bộ trưởng Công thương cho biết.
Không quá lo lắng về nhà bán lẻ nước ngoài
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tỏ ra lo ngại khi đặt câu hỏi về việc nâng cấp các chợ truyền thống thành Trung tâm thương mại, không thu hút được người dân đến họp, chẳng những ảnh hưởng đến các tiểu thương mà còn khiến gia tăng tình trạng "chợ cóc". Theo ông Vinh, các trung tâm thương mại có thể nói là thất bại và đặt câu hỏi với Bộ trưởng về giải pháp thời gian tới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, Chính phủ đã có Nghị định 02 về phát triển và quản lý chợ. Sau một thời gian thực hiện thấy rằng mô hình chợ nhỏ lẻ, truyền thống có thể phục vụ số đông nhưng không đảm bảo về trật tự thương mại, mất nhiều diện tích đất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bất lợi về giao thông nên về chủ trương và tổng thể quy hoạch đều quan tâm xây dựng các chợ đầu mối và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong muốn do lựa chọn vị trí chưa phù hợp, chưa tính đến tập quán của người dân - muốn mua nhanh, tiện lợi, không mất nhiều thời gian. Thêm nữa, hàng hóa bán tại các trung tâm thương mại cũng cao hơn chợ tự do nên chưa thu hút người dân.
"Bộ Công thương đã ban hành các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở các vùng trên cả nước. Trên cơ sở này, các địa phương sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại phù hợp với điều kiện đặc thù từng nơi để phát huy cao nhất hiệu quả", ông Vũ Huy Hoàng nói.
Liên quan đến xu thế xâm nhập thị trường Việt Nam của các nhà bán lẻ trên thế giới, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (Tp. Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, sự xuất hiện của các hãng bán lẻ, tập đoàn nước ngoài bằng việc mở nhiều siêu thị, tiến hành mua bán và sáp nhập một số trung tâm mua sắm, siêu thị hiện có của chúng ta, vậy thị trường bán lẻ của chúng ta sẽ đi đến đâu? Tác động thế nào đến sản xuất trong nước và liệu chúng ta có thua trên sân nhà không? Bộ Công thương có giải pháp gì để giữ và phát triển hệ thống bán lẻ của Việt Nam trước áp lực này?
có 9 mặt hàng không được bán tại hệ thống phân phối của DN nước ngoài tại Việt Nam - ảnh chỉ có tính chất minh họa (internet) |
Đáp lại câu hỏi này của ĐB, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, ngay từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã có nhận thức rằng đây là lĩnh vực phức tạp và quan trọng. Do đó, chủ trương của Chính phủ là mở cửa thị trường phân phối bán lẻ nhưng có lộ trình để tạo điều kiện cho các DN trong nước có thể đứng vững và cạnh tranh được với DN nước ngoài.
"Chính vì thế, khi hiệp định có hiệu lực năm 2007, chúng ta cho phép nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam, nhưng bắt buộc dưới hình thức liên doanh với tỷ lệ 49%. Từ tháng 1/2008, nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với Việt Nam không quy định tỷ lệ góp vốn. Và từ 1/1/2009, được thành lập DN 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có một số "khóa" khi quy định 9 mặt hàng không được bán trong hệ thống phân phối của họ như gạo, đường, xăng dầu, văn hóa phẩm... Thêm vào đó, chúng ta cũng quy định, sau khi mở cơ sở bán lẻ thứ nhất, từ cơ sở thứ hai trở đi phải có báo cáo đánh giá tác động kinh tế", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Người đứng đầu Bộ Công thương cũng thông tin: hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 900 cơ sở bán lẻ thì nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ có 70 cơ sở. Và theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2013, tổng dung lượng bán lẻ của thị trường Việt Nam xấp xỉ 2.700 nghìn tỷ đồng, năm nay ước đạt 3 triệu tỷ đồng. Trong số này, tỷ trọng dung lượng bán lẻ của DN nước ngoài chỉ chiếm có 3,4%.
"Con số này cho thấy, chúng ta vẫn mở cửa thị trường bán lẻ nhưng có lộ trình và DN trong nước có hỗ trợ của Chính phủ vẫn vươn lên. Chúng ta có lo lắng về sự xâm nhập của DN bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam, nhưng với kinh nghiệm của Việt Nam trong 8 năm thực hiện WTO, điều băn khoăn này có thể xử lý được", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận