Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa giải trình làm rõ thêm ý kiến của các thành viên Uỷ ban TVQH chiều 15/8 |
Chiều 15/8, TVQH tiếp tục thảo luận về nội dung tiến hành giám sát việc đầu tư, khai thác các công trình BOT.
Đề cập đến sự cố xảy ra mới đây tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình muốn Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa với tư cách Tư lệnh ngành Giao thông sẽ thông tin rõ hơn về tình hình ở trạm thu phí Cai Lậy.
"Đường Cai Lậy tôi đã từng đi qua, hiện chỉ có sửa lại một chút và thu phí. Đây là con đường độc đạo, vậy khi sửa có hỏi ý kiến của người dân hay không?", ông Bình đặt câu hỏi.
Làm rõ câu hỏi này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng nói tuyến tránh Cai Lậy là chưa đầy đủ. Đây là dự án hơn 26 km trên QL1 cộng thêm 12 km tuyến tránh, và trên tuyến này phải xử lý thêm 14 cây cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, với dự án Cai Lậy, Bộ GTVT và địa phương lập dự án, trong quá trình làm đã lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, ĐBQH, hiệp hội vận tải và địa phương.
Thực tế mỗi khi xảy ra sự việc, mọi người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư nhưng Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị cần có cái nhìn công bằng hơn, bởi trước hết phải do Bộ GTVT và địa phương quyết thì mới có những dự án này.
“Trưa nay tôi nhận được cuộc điện thoại cho rằng cần thanh tra dự án này, tôi nghĩ cách thức tiếp cận này thiếu công bằng. Tôi đồng tình với ý kiến của một đại biểu hỏi rằng tại sao lại chỉ nói đến BOT trong lĩnh vực giao thông, trong khi BOT rất rộng? Vì thế, cần khách quan, công bằng, vì đây là nỗ lực của ngành, là chuyển biến, quyết tâm của cả địa phương và người dân” – Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ.
Nhắc đến sự việc xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy những ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, nhân dân và hiệp hội vận tải ở địa phương không có phản ứng chính thức gì, chỉ có 7 doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng. “Nhưng cách thức ấy thực sự làm chúng tôi rất buồn”, khi ở đó có chính quyền, mà họ có thể dàn 3 xe ra để cản trở giao thông.
“Vừa rồi địa phương có ý kiến, chúng tôi thấy hết sức hợp lý và trong hôm nay chúng tôi mời nhà đầu tư ra để làm việc. Đề xuất của địa phương là giảm từ 35 nghìn đồng xuống 25 nghìn đồng, tôi nghĩ có thể nhà đầu tư sẵn sàng, nhưng suy cho cùng thì vẫn là số tiền ấy thôi, chỉ thay phương án thu gần 7 năm thì sẽ kéo dài tới khoảng 12 – 13 năm, vì tổng mức đầu tư của người ta như vậy rồi” – Bộ trưởng Nghĩa giải thích và nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ là đối với các dự án có khả năng giảm phí thì chọn giảm phí chứ không giảm thời gian thu phí.
Bộ trưởng khẳng định, riêng về dự án Cai Lậy, sau chiều nay, các đề xuất của địa phương và nhân dân sẽ giải quyết được.
“Nói đến nguyện vọng và quyền lợi của dân thì đa số người dân đi xe máy, mà xe máy thì hoàn toàn miễn phí trên tuyến đường này. Còn lại một số hộ dân có ô tô, chúng tôi xem xét theo khu vực. Trong tháng 6, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các địa phương, các nhà đầu tư có dự án BOT có báo cáo để tổng hợp, có chính sách chung giải quyết tổng thể, đồng bộ, không để người dân phải chịu bất công” – Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin và cho biết thêm, hiện Bộ GTVT đã tập hợp đưa ra các phương án giải quyết, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận