Bộ trưởng Bộ kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp TVQH sáng 17/4 |
Sáng 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là dự án luật hiện đang có rất nhiều ý kiến tranh cãi.
Trong phiên họp sáng nay, nhiều ý kiến tập trung góp ý vào Điều 30 của dự luật, quy định trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề. Trách nhiệm của 2 đơn vị này được tách riêng chứ không gộp chung.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc tách riêng trách nhiệm của VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hiệp hội, ngành nghề sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, quy định như tại điều 30 là không đúng với vai trò của VCCI là đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong văn bản gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Chủ tịch VCCI cho rằng quy định riêng như Điều 30 là rất rủi ro từ nhiều góc độ. Cụ thể là tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội doanh nghiệp liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên của mình.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam theo luật này cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rõ ràng là không phù hợp với vị thế pháp lý của Hiệp hội. Vì thế, đại diện VCCI đề nghị quy định chung tất cả các chủ thể đại diện doanh nghiệp vào một cụm chung, không tách biệt như hiện nay.
Đánh giá cả dự thảo luật, ông Vũ Tiến Lộc phản ánh cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng bởi còn rất nhiều quy định chung chung, khó khả thi.
Trái chiều quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân tán thành quy định tại Điều 30. “Có ý kiến nói tóm lại là "nhỏ không chấp", khiến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất bực mình, làm doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tổn thương và rất đau lòng. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, được như thế thì tổ chức này sẽ tràn đầy sinh khí để làm việc", ông Thân chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng thời gian không có nhiều nhưng các ý kiến vẫn “đối nhau chan chát” về quy định trách nhiệm liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không tranh luận thêm về việc này mà phải rà soát Điều 30 để không làm mất vai trò của VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Được mời góp ý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lên tiếng bảo vệ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cho rằng, VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là hai tổ chức riêng biệt, có tôn chỉ, mục đích riêng và không thể hiệp hội này là tổ chức “mẹ” của tổ chức khác.
Nhận xét chung về những ý kiến trái chiều về dự luật, ông Dũng nói: “Những nội dung này đã được nêu vài lần ở các hội thảo, nhưng chúng tôi thấy không tiếp thu được ở giai đoạn này nữa, những điều tiếp thu đã tiếp thu”.
Băn khoăn về ý kiến Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thắc mắc khi ông Lộc cũng là thành viên ban soạn thảo, VCCI trước đây rất ủng hộ dự luật, nhưng không hiểu làm sao giờ lại phản ứng lại.
“Nếu có ý kiến thì phải ở giai đoạn trước vì chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, kể cả với VCCI. Tôi đề nghị không trao đổi lại, và đề nghị tiếp tục dự luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn đề nghị ban soạn thảo và Ủy ban kinh tế của Quốc hội rà soát Điều 30 để không ảnh hưởng chức năng của VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận