Xã hội

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công cao, áp lực trả nợ đang rất lớn

16/11/2017, 09:35

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công cao và áp lực trả nợ rất lớn khi trả lời chất vấn sáng 16/11.

Bo-truong-Tai-chinh-Dinh-Tien-Dung

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn

Sáng 16/11, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên đăng đànÔng được đánh giá là một người khá dày dạn kinh nghiệm trên nghị trường.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn: "Qua báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ KTXH 2017 cho thấy, nợ công là mối quan tâm lớn của cử tri. Nợ công đã sát trần cho phép, rủi ro lớn. Do KTXH còn nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP giảm chưa đạt mục tiêu đề ra trong khi đó Chính phủ vẫn thực hiện đàm phán ký kết khoản vay mới? Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý rủi ro?".

ĐB Trần Hoàng Ngân

ĐB Trần Hoàng Ngân

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng chất vấn Tư lệnh ngành tài chính về vấn đề này.

"Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua. Năm 2017, ngành tài chính đã kiểm soát chi chặt chẽ hơn, kéo giảm bội chi ngân sách, nợ công từ 63,6% còn 62,6%. Tuy nhiên, nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ, đến 2017 đã lên tới 250 nghìn tỷ tỷ đồng. Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển?", ĐB Trần Hoàng Ngân chất vấn.

Nỗ lực giảm bội chi

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong bối cảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, chúng ta cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an toàn nợ công.

Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

"Chúng tôi đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 – 2020, đã giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công, theo đó trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%", Bộ trưởng Dũng thông tin.

Cùng với đó, ông cho biết sẽ xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi, như kế hoạch đã báo cáo thì năm nay bội chi là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 sẽ xuống 3,6% và xuống còn 3,4% vào năm 2020.

Theo ông Dũng, kiểm soát bội chi là cực kỳ quan trọng để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công và kiểm soát trần nợ công, trong đó giải pháp quan trọng là siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Từ năm ngoái, cơ bản Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, đặc biệt là các dự án của DN. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết Quốc hội chỉ cho phép bảo lãnh ngang bằng với số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm. Việc giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết kiên quyết thực hiện trong giới hạn quốc hội đã thông qua là 300 nghìn tỷ trong cả giai đoạn để bảo đảm cân đối chi trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Ông cũng đưa ra giải pháp về tăng cường thanh tra kiểm tra, minh bạch tài chính công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán...

Đồng tình với nhận định giai đoạn nợ công tăng nhanh là đúng, tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho hay các giải pháp vừa qua đã bước đầu có kết quả, đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng. Nếu như giai đoạn 2011- 2015 tăng 18%, 2016 tăng 15%, thì đến 2017 chỉ tăng 9%.

"Chúng ta đang từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đầu tư công chưa hiệu quả

Giơ biển xin tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng nói nhiều về kìm hãm sự phát triển tăng tốc của nợ công, nhưng đây mới chỉ là "phần vỏ", còn linh hồn của nó là vấn đề hiệu quả đầu tư công.

"Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì nó gây ra thiệt hại kép, vừa tạo áp lực trả nợ gốc lãi, bù lỗ DN mà đầu tư không hiệu quả, điển hình như 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ vừa qua", ĐB Tuấn dẫn chứng và cho rằng chính những điều đó đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nền kinh tế. Vì thế, ĐB cho rằng Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề hiệu quả đầu tư công ra sao.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn

ĐB Nguyễn Quang Tuấn

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận đầu tư công chưa thực sự hiệu quả. Về lĩnh vực quản lý nhà nước, đầu tư công thuộc quản lý của Bộ KH&ĐT và các bộ ngành khi sử dụng nguồn vốn này. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Dũng cho biết đang xây dựng cơ chế sử dụng vốn vay từ cấp phát sang vay lại để sử dụng vốn cho hiệu quả.

Bộ trưởng KH&ĐT "chia lửa" cùng Bộ trưởng Tài chính

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Chia lửa" với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây chúng ta chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư còn tuỳ tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách, ở cả T.Ư và địa phương.

Trong mỗi giai đoạn 2005 – 2010, 2011 – 2015 đều có hơn hai chục nghìn dự án, không rõ nguồn vốn ở đâu, không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được nên dẫn đến đầu tư dàn trải và khả năng dừng, giãn, hoãn rất lớn.

Sau khi có Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm rất nhiều so với giai đoạn trước đây và bám sát khả năng cân đối của ngân sách. Về nợ đọng, ứng của năm trước đã được đưa vào 2016 – 2020 để xử lý dứt điểm.

“Tổng mức đầu tư của nhiều dự án được phê duyệt không sát với thực tế, vượt rất nhiều so với tính toán và nhu cầu. Chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát”, Bộ trưởng nêu thực trạng.

Theo ông, vừa qua, Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tính toán, làm cơ sở để khi phê duyệt quyết định đầu tư thì dự án có tổng mức đầu tư hợp lý.

“Hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao là vì thời gian triển khai đầu tư. Giai đoạn triển khai đầu tư hiện nay phải thực hiện rất nhiều thủ tục như GPMB, đấu thầu… mất rất nhiều thời gian làm thời gian kéo dài, vốn vượt lên, buộc phải điều chỉnh. Khi vốn vượt lên, không có nguồn bố trí, buộc phải đình, giãn, hoãn. Đây là vấn đề lớn liên quan đến hiệu quả đầu tư công vừa qua”, Bộ trưởng chia sẻ và thông tin, thời gian tới, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, rà soát toàn bộ bất cập trong thực hiện đầu tư công, sửa Luật Đầu tư công theo hướng đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng.

Tranh luận về giải ngân vốn chậm

Sau khi nghe hai Bộ trưởng trả lời, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) giơ biển tranh luận: "Nghe hai Bộ trưởng trả lời về quản lý nợ công và ODA thì tôi rất băn khoăn. Việc sử dụng ODA nhiều năm vượt dự toán, thẳng thắn mà nói thì quản lý ODA hiện nay ngoài tầm kiểm soát. Xin hỏi hai Bộ trưởng là các khoản vay ODA có nằm trong giới hạn 300.000 tỉ đồng mà Quốc hội cho phép hay không?".

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng tiếp tục xin tranh luận: "Câu trả lời của bộ trưởng Bộ Tài chính có tính khái quát cao, như vậy thì rất khó. Nhưng chính báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều bất cập, đặc biệt là việc thực hiện chính sách pháp luật không nghiêm chứ không phải là thiếu luật. Tôi mong hai Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm để khắc phục trong thời gian tới".

Cũng xin tranh luận về nợ công, ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) nói: "Một trong những biện pháp để sử dụng hiệu quả đầu tư công là phải sử dụng hiệu quả. Trong đó tôi thấy có nguyên nhân các bộ trưởng chưa đề cập đến, đó là giải ngân chậm. Có hai dự án trọng điểm đang rơi vào tình trạng này, đó là dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án chống ngập TP.HCM. Đề nghị Bộ trưởng giải đáp rõ nguyên nhân và trách nhiệm về vấn đề này?".

ĐB Nguyễn Ngọc Phương

ĐB Nguyễn Ngọc Phương

ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chất vấn về nợ đọng thuế: “Theo báo cáo của Bộ trưởng, làm thế nào nuôi dưỡng nguồn thu để bù đắp số thất thu đó? Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục nguyên nhân gây nợ đọng thuế như cấp phép cho các doanh nghiệp quá dễ dãi”.

ĐB cho rằng do ngành thuế vẫn có cá nhân tiêu cực, tiếp tay cho nợ đọng thuế, và do xử lý không nghiêm nên nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế. Ngoài ra, do sự quy định và thay đổi chính sách làm doanh nghiệp khó khăn. Ông Phương dẫn chứng với các dự án BOT vừa qua, ký hợp đồng mức thu như thế nhưng sau khi có một số việc xảy ra thì doanh nghiệp phải thay đổi mức thu, hết sức khó khăn.

Trả lời ĐB Phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng vấn đề ĐB nêu rất đúng. Để xử lý vấn đề này, ngoài Bộ Tài chính, các bộ ngành địa phương cũng phải vào cuộc. Cấp phép thông thoáng như thế nhưng sau cấp phép, theo dõi đến đâu… hiện vẫn đang còn rất nhiều vấn đề, chủ yếu thông qua việc cung cấp thông tin của cơ quan thuế, kể cả đầu tư trong nước và nước ngoài.

Năm 2017 truy thu hơn 3.000 tỷ đồng chuyển giá

ĐB Vũ Thị Thuỷ (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về vấn đề chuyển giá doanh nghiệp và Bộ Tài chính có giải pháp gì khắc phục tình trạng này?

Trả lời, Bộ trưởng Dũng thừa nhận chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Về pháp lý, năm 1995 Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Thời gian gần đây tiếp tục hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết và ban hành thông tư, dựa trên kinh nghiệm của OECD. 

Năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, truy thu truy hoàn 1.310 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ 1.983 tỷ, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ.

Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu truy hoàn hơn 3.000 tỷ. 

Mỗi năm xử lý hơn 300 cán bộ thuế, hải quan vi phạm

ĐB Nguyễn Chiến

ĐB Nguyễn Chiến

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập tới tình trạng buôn lậu, ngân sách một phần "đội nón ra đi", một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ hải quan và ngân sách thất thu. Trách nhiệm chính ở cán bộ hải quan, nhưng Bộ trưởng lại cho rằng chỉ 28% thời gian kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của hải quan. ĐB nhắc tới loạt vụ án bắt giữ cán bộ hải quan như vụ án 213 container tại cảng Cát Lái "bỗng dưng" biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu toà mà không có cán bộ ngành khác; hay vụ bắt giữ 2 cán bộ hải quan tại Cục hải quan TP HCM.

"Trách nhiệm Bộ trưởng, ngành hải quan tới đâu khi để xảy ra vấn nạn này? Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức cán bộ ngành hải quan? Xin Bộ trưởng cho Quốc hội biết một lời khẳng định bao giờ thì chấm dứt tình trạng trên?", ông Chiến chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vụ 213 container “mất tích” là do Tổng cục Hải quan phát hiện ra. “Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an. Đến nay cơ quan điều tra đã bắt 3 đối tượng. Còn về tinh thần thái độ thì chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành”, ông Dũng nói và cho hay đang tiến hành xử lý nghiêm trách nhiệm.

Theo ông, nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan thì đây là hiện tượng suy thoái trong đội ngũ. Cùng với việc xử lý cán bộ, Bộ cũng rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.

Với những vụ như Hải quan An Giang đã bắt, xử lý tới 46 cán bộ, Bộ trưởng Tài chính cho biết thời gian qua Bộ đã xử trách nhiệm rất nặng. “Hàng năm xử lý cán bộ thuế, hải quan liên quan đến vi phạm nghiệp vụ, vi phạm hành chính khoảng trên dưới 300 người”, ông thông tin.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Nhiệm vụ “kép” nan giải vì chính sách tài chính eo hẹp

vương đình huệ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Báo cáo làm rõ thêm các vấn đề trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, đến năm 2015, nợ công sát trần, dư nợ vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay cao hơn mức tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng XII đánh giá và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn đến 2020.

“Ta đứng trước nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo phát triển nhanh bền vững, vừa tập trung giải quyết yếu kém tích tụ nhiều năm. Trong điều kiện dư địa chính sách tài chính, tiền tệ eo hẹp, đây là vấn đề nan giải đặt ra cho cả hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều thành viên Chính phủ và đại biểu, chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu trình T.Ư và Quốc hội nới trần nợ công để có vốn cho phát triển khi nước ta đang nghèo, nhu cầu cho phát triển rất lớn, nên Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ, thấy rằng trần nợ công chỉ là yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ.

Vì vậy, Chính phủ xin không nới trần nợ công. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu nợ công và đánh giá việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, lần đầu tiên Bộ chính trị có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Chính phủ cũng trình Quốc hội ban hành các nghị quyết về đầu tư công trung hạn, ngân sách trung hạn...

Phấn đấu giảm thu từ dầu thô, tăng thu XNK và nội địa

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới, phấn đấu cơ cấu lại thu ngân sách, giảm thu từ dầu thô, tăng xuất nhập khẩu và thu nội địa; Phấn đấu chi thường xuyên dưới 64% và giảm bội chi; Nợ công đến 2020 là không quá 65%GDP.

Trên cơ sở nghị quyết 07 của Bộ chính trị, Chính phủ ban hành nghị quyết 51 về chương trình hành động. Theo đó, quan điểm đặt trong tổng thế ổn định kinh tế gắn với tăng trưởng; tiết kiệm, chống lãng phí, coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; giải quyết hài hoà vấn đề cấp bách với vấn đề căn cơ lâu dài; tăng cường công khai minh bạch, giải trình, nhất là với người đứng đầu; hạn chế tiến tới xoá bỏ tình trạng xin – cho.

Về biện pháp chính, phải kiên định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo nguồn thu vững chắc, nhịp nhàng các chính sách vĩ mô. Đây là giải pháp của mọi giải pháp. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chính sách nợ công; chống tiêu cực, tham nhũng.

Theo chương trình làm việc, Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn tới giữa phiên làm việc chiều 16/11, trước khi nhường diễn đàn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ giải đáp các vấn đề về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.