Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu trong buổi làm việc với đại diện Uber |
Nếu có lợi cho dân, doanh nghiệp: Khuyến khích
Mở đầu cuộc làm việc với ông Jodan Condo - Giám đốc chính sách của Uber tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng các đồng sự tại Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Chúng tôi muốn Uber cho biết rõ hơn tình hình hoạt động tại Việt Nam. Việc kinh doanh loại hình này có lợi gì cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Nếu có lợi, chúng tôi sẽ thừa nhận, sửa quy định để đảm bảo cho Uber hoạt động”.
Điều gây bất ngờ cho các đại diện của Uber là Bộ trưởng Đinh La Thăng ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hình thành các sàn giao dịch điện tử cho dịch vụ vận tải như Uber. Bộ trưởng còn đề nghị Uber nghiên cứu mở rộng dịch vụ cho vận tải hàng hoá chứ không chỉ vận tải hành khách để kết nối các phương thức kinh doanh vận tải, giúp làm giảm giá cước, tăng năng suất lao động tránh ùn tắc, TNGT. Theo Bộ trưởng, nếu làm được việc này sẽ có ý nghĩa rất lớn bởi sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia của các doanh nghiệp trong nước.
Trước đề nghị bất ngờ này, ông Jodan Condo cho biết, hiện Uber đã bắt đầu triển khai kết nối giao nhận vận tải hàng hóa đường bộ tại Hồng Kông, góp phần làm giảm chi phí vận tải và giá cả các loại thực phẩm. Uber sẽ lưu tâm nghiên cứu và có văn bản trả lời chính thức Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Ông Đặng Việt Dũng, Tổng giám đốc Uber tại Việt Nam cho biết thêm, việc kết nối vận tải hàng hóa bằng trực thăng, đường biển cũng đang được Uber thí điểm tại 6 quốc gia. Đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp.
Uber mong có cơ sở pháp lý để hoạt động
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan, đại diện của Uber đã nhận được nhiều câu hỏi nhằm làm rõ những quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị Uber cung cấp danh sách các đối tác tại Việt Nam để đối chiếu xem có hợp lệ với các điều kiện kinh doanh vận tải hay không. Tuy nhiên, đại diện Uber chưa tiết lộ đối tác và khẳng định chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải thương mại có giấy phép kinh doanh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, đã đi thử 10 chuyến xe taxi Uber nhưng cả 10 chuyến xe này đều không đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng luật định (không có phù hiệu, không niêm yết thông tin của xe).
“Nếu Uber bán dịch vụ cho các hãng xe đó là gián tiếp tiếp tay cho vi phạm. Hiện nay, ở Việt Nam có 5 loại hình kinh doanh vận tải (taxi, vận tải khách tuyến cố định, xe hợp đồng, buýt, hàng hóa - PV), Uber chỉ có thể bán công nghệ cho doanh nghiệp thuộc 5 loại hình kinh doanh vận tải này. Uber tuân thủ quy định này thì có thể hoạt động hợp pháp và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”, ông Hùng nói.
"Chúng tôi khá ấn tượng với cuộc làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bộ trưởng là một nhà lãnh đạo có một cách nhìn rất logic, hợp tình hợp lý. Cái gì tốt cho xã hội, cho dân thì mình làm. Còn vấn đề cơ sở pháp lý nào chưa được thì phải có cải thiện cho phù hợp với tình hình mới. Bộ trưởng đã nhìn thấy những gì chúng tôi đang dự định làm trong tương lai. Những gì chưa đáp ứng được, cần điều chỉnh, chúng tôi sẽ điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật”. Ông Đặng Việt Dũng Tổng giám đốc Uber tại Việt Nam |
Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng cho biết: “Có thể các đơn vị vận tải hợp tác với chúng tôi không phải là taxi mà là xe hợp đồng(?) và khẳng định sẽ cho kiểm tra các xe này có được cấp phù hiệu, có niêm yết giá và có lắp thiết bị giám sát hành trình hay không”.
Ông Jodan Condo cũng chia sẻ: “Chúng tôi không có ý định trốn thuế, vi phạm pháp luật. Chúng tôi muốn trao đổi với các cơ quan để mong có cơ sở pháp lý được phép hoạt động tại Việt Nam”.
Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng, Việt Nam sẵn sàng cập nhật các quy định pháp luật để ứng dụng khoa học công nghệ nhưng cũng có trách nhiệm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác đang tuân thủ đúng quy định pháp luật của Việt Nam.
“Chúng tôi đang kiểm tra, rà soát lại các quy định, thực tế hoạt động của Uber không phải để cấm Uber hoạt động mà hướng tới mục tiêu trao đổi để công ty có định hướng thực hiện đúng các quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam”, ông Hùng nói.
Cùng đó, ông Hùng hỏi thêm giá cước của dịch vụ bán trên Uber là do ai định giá để bán cho khách thì được Uber thông báo là “Uber tự định giá”. Trước câu trả lời này, ông Hùng lưu ý Uber cần nghiên cứu kỹ Thông tư liên tịch 152 năm 2014 giữa Bộ Tài chính và GTVT để thực hiện cho đúng.
Để được hoạt động, Uber phải đáp ứng đủ điều kiện
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Việt Nam luôn hoan nghênh và khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, nếu Uber cung cấp dịch vụ cho vận tải, các doanh nghiệp đó phải đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định.
“Mục tiêu của chúng ta là đưa lại sự thuận lợi, hiệu quả, an toàn cho người dân, giúp cho doanh nghiệp tăng năng suất, góp phần giảm chi phí vận tải, giảm mật độ lưu thông, giảm ùn tắc và TNGT. Vì vậy, Bộ GTVT khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại vào quản lý kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng các loại dịch vụ”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Vụ Vận tải gửi công văn thông báo và yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải, đáp ứng các yêu cầu về phương tiện, con người và các quy định được nêu tại Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra đột xuất, định kỳ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng Uber. Các công ty ký hợp đồng với Uber kinh doanh vận tải khách không đúng luật định sẽ bị xử lý nghiêm.
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận