Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu ý kiến tiếp thu sau buổi thảo luận tại hội trường về Luật Đường sắt sửa đổi sáng 30/5 |
Đầu tư giao thông: Chỉ 3% cho đường sắt
Sau khi nghe các ĐBQH thảo luận tại hội trường sáng nay về dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã phát biểu ý kiến tiếp thu và cho rằng tất cả các ý kiến thể hiện các ĐBQH mong muốn Luật phải tốt hơn, phù hợp hơn trước. Theo Bộ trưởng Nghĩa, trong thời gian qua chúng ta đã quan tâm đến đường sắt với mức rất hạn chế. Sau 100 năm, đường sắt của chúng ta cứ kém dần đi và cho đến hiện nay thì thực sự rất lạc hậu.
Từ 2011-2015, đầu tư cho ngành Đường sắt chiếm khoảng 3,18% trong cơ cấu đầu tư cho ngành Giao thông, trong khi đó, đường bộ là 88,89%. “Tất nhiên đường bộ đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông của chúng ta, nhưng mức đầu tư như thế cho thấy đường sắt rất ít được quan tâm, đặc biệt là việc kết nối các phương thức vận tải với nhau” – Bộ trưởng Nghĩa nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nghĩa, năm 2016, vận tải đường sắt chỉ chiếm tỷ trọng 0,4% đối với vận tải hàng hoá nói chung, đó là một trong những lý do dẫn đến chi phí vận tải của ta rất cao so với thế giới. Chi phí logistic của VN chiếm khoảng 22% GDP, trong đó riêng GTVT chiếm tới 60%, đây là tỷ trọng chưa hợp lý. Cần phải cơ cấu lại để có thể phát huy được các phương thức vận tải lớn, chi phí thấp và đặc biệt là an toàn.
Theo Bộ trưởng, sau khi được các ĐBQH góp ý, Ban soạn thảo Luật cùng Uỷ ban KH-CN&MT đã tổ chức 6 hội thảo tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, trực tiếp làm việc với các đối tượng chịu sự chi phối của Luật Đường sắt, đồng thời tổ chức 5 đoàn đi địa phương và đi nước ngoài khảo sát, thường xuyên trao đổi ý kiến với các ĐBQH để sớm hoàn chỉnh báo cáo trước Quốc hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Ban soạn thảo là sửa đổi Luật theo tinh thần phải phù hợp với nguyên tắc, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển GTVT đường sắt, đồng thời phù hợp với các Luật khác. Luật Đường sắt sửa đổi đã tham chiếu 16 luật để có điều chỉnh phù hợp. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Đầu tư đường sắt: "Không có lợi, trải thảm đỏ cũng không ai vào"
Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường về Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) khẳng định Ban soạn thảo đã có nhiều điểm thống nhất với cử tri và các đại biểu. Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống, cần có quyết tâm chiến lược và cơ sở vật chất đảm bảo cho quyết tâm đó.
“Không ai nghi ngờ tính ưu việt của vận tải đường sắt vì sự an toàn cao, giá thành vận tải rẻ, góp phần giảm giá thành lưu thông hàng hoá. Vận tải đường sắt là vận tải hạng nặng, cũng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quốc phòng. Với lợi thế trải dài, đường sắt sẽ giúp triển khai thế trận trên khắp cả nước, các vùng miền một cách linh hoạt, tập trung sức mạnh và phân tán lực lượng khi cần thiết, điều này hết sức lợi hợi, cần thiết trong tác chiến, bảo vệ bờ biển” – đại biểu Chương nói và nhấn mạnh: Trong những thập kỷ tới, thách thức trên biển đông rất lớn, tác động trực tiếp đến khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Do vậy, có một hệ thống đường sắt hiện đại sẽ góp phần xây dựng kinh tế quốc phòng nói chung và khu vực phòng thủ trên biển đảo nói riêng.
“Quốc hội, Chính phủ cần hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng vững vàng cho đường sắt phát triển. Từ quyết tâm này, Chính phủ cần tìm nguồn vốn tăng đầu tư cho ngành Đường sắt” - đại biểu Chương kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương: Quốc hội, Chính phủ cần hạ quyết tâm chiến lược đầu tư cho đường sắt |
Cũng theo ĐB Chương, vốn đầu tư cho ngành trong những năm sắp tới mà giống giai đoạn 2011-2015 vừa qua, thì tương lai ngành Đường sắt chưa có gì sáng sủa, vẫn sẽ là lạc hậu, vẫn xuống cấp và mất năng lực cạnh tranh.
“Nhìn ra các nước, chỉ có Chính phủ là người đầu tư chính cho kết cấu hạ tầng đường sắt. Hiếm nhà đầu tư nào bỏ vốn lớn đầu tư cho ngành kinh tế chậm thu lợi như ngành này. Vì vậy, nếu muốn nhà đầu tư thì phải có những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho họ. Không có lợi thì trải thảm đỏ mời họ cũng không vào.
Tôi đã hỏi ý kiến một số ĐBQH khoá 13 và cán bộ ngành Đường sắt phía Nam, họ đều cho rằng kiến nghị cần quan tâm phát triển đường sắt hiện đại. Kiến nghị quốc hội, Chính phủ đừng quên ngành Đường sắt như mấy chục năm qua ta đã quên ngành vận tải chiến lược này.
Chính sách chung chung sẽ khó thực thi
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho biết vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của một số điều để đảm bảo khi ban hành áp dụng được ngay và đi vào cuộc sống.
Theo đại biểu Tuấn, nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Đường sắt 2005, chính sách đầu tư đã đem lại hiệu quả như thế nào cho ngành Đường sắt? Cụ thể, Luật Đường sắt 2005 quy định nhà nước tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, thời gian qua, việc bố trí vốn cho đường sắt không lớn, chiếm khoảng 2,45% tổng mức đầu tư của ngành Giao thông, chủ yếu cho bảo trì, sửa chữa đường sắt. Như vậy, chính sách tập trung đầu tư phát triển như Luật 2005 chưa đi vào thực tiễn.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn cho rằng cần thiết phải quy định mức tối thiểu đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, quyết định tỷ trọng đầu tư |
Luật 2005 quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và vận tải đường sắt nhưng đến nay, kết quả huy động xã hội hoá chưa đáng kể ngoại trừ một số toa xe, bãi hàng quy mô nhỏ. Rõ ràng, chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
“Khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng chính sách đầu tư cần cụ thể hơn. Cần thiết phải quy định mức tối thiểu đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành GTVT” – đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Tuấn cho rằng nếu dự thảo Luật Đường sắt lần này vẫn quy định chung chung sẽ lại khó thực thi. Hơn nữa, trong báo cáo của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn, không có vốn cho đường sắt vì vậy, rõ ràng cần quy định cụ thể chính sách đầu tư trong dự thảo luật để tạo cơ sở chuẩn bị nguồn lực đầu tư cho đường sắt trong thời gian sớm nhất.
Đồng quan điểm, đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) cho rằng Luật Đường sắt sau khi ban hành phải tạo động lực phát triển ngành một cách toàn diện. Do đó, phải có chính sách xã hội hoá mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường sắt, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn để tiếp tục xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng vững vàng cho đường sắt phát triển |
Cần lập quy hoạch kết nối giao thông đường sắt quốc gia
Cũng tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay, một số đại biểu cho rằng Luật Đường sắt 2005 và dự thảo Luật mới đều quy định trong quy hoạch phải có nội dung kết nối hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua chúng ta đã không quan tâm phát triển đường sắt kết nối. Cụ thể các cảng biển mới xây dựng không có đường sắt kết nối như: cảng Đình Vũ – Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải… Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng để vận chuyển hàng hoá cho cảng Hải Phòng nay chuyển sang cảng Đình Vũ nhưng không xây dựng đường sắt kết nối. Hệ quả là giao thông trên QL5 tắc nghẽn, trong khi đó đường sắt chỉ khai thác 4 đôi tàu ngày đêm, bằng 16% năng lực vận tải trên tuyến.
Thậm chí một số tuyến đường sắt đã bị tháo dỡ khi vẫn còn khả năng sử dụng. Ví dụ hầu hết các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển đã bị tháo dỡ như ở Tân Cảng, Tiên Sa, Cửa Lò. Một số tuyến khác kết nối với các đô thị trên dọc tuyến đường sắt so với thời Pháp cũng đã bị tháo dỡ như Sài Gòn - Mỹ Tho, Tháp Chàm - Đà Lạt.
Mặt khác, theo các đại biểu, việc phát triển đường sắt kết nối với các loại hình vận tải khác sẽ thu hút việc giải toả hàng hoá, hành khách thông qua hệ thống đường sắt vì giá cước thấp hơn. Do đó, sẽ giảm áp lực vận tải đường bộ, giảm TNGT. Từ đó, một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong Dự thảo về việc Bộ GTVT ngoài việc lập quy hoạch phát triển GTVT đường sắt và phải lập quy hoạch kết nối giao thông đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị, đường biển, hàng không trình Thủ tướng phê duyệt. UBND cấp tỉnh ngoài việc lập quy hoạch phát triển đường sắt đô thị phải lập quy hoạch kết nối giao thông đường sắt đô thị với các loại hình GTVT công cộng khác trình Thủ tướng phê duyệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận