Xã hội

Bộ trưởng Tư pháp: "Những quy định "trên trời" chỉ còn là hy hữu"

17/02/2018, 10:15

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, những quy định "trên trời", xa rời thực tế trước đây đến nay chỉ còn là hy hữu.

IMG_7889

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, khi không khí tết đã ngập khắp nơi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ ông vẫn bận rộn những cuộc làm việc cùng các Bộ, ngành, những chuyến đi cơ sở, giải quyết công việc hàng ngày.

Nhớ lại thời điểm mới giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhắc đến “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2017 với câu hỏi lớn “Làm thế nào đưa ngành Tư pháp mạnh lên?”. Sau gần 2 năm trên cương vị mới, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng những kỳ vọng, trọng trách mà Thủ tướng giao phó cho Bộ Tư pháp đang dần được hiện thực hoá, tạo ra những chuyển biến rõ nét.

Thủ tục hành chính đang là rào cản lớn cho phát triển

Đề cập đến vai trò của thể chế trong tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Lê Thành Long từng nói, chỉ cần một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý sẽ làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu và “thủ tục hành chính hiện đang là rào cản lớn cho sự phát triển”.

Với quan điểm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năm 2017, Bộ Tư pháp đã rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội, đề xuất nhiều giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Cũng từ những bất cập này, nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nếu như nhiều năm trước đây, dư luận, người dân bức xúc về những quy định “trên trời”, thiếu tính khả thi, xa rời thực tế thì hiện nay, những quy định đó chỉ còn hy hữu vì chất lượng thẩm định văn bản được nâng cao.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhiều lần yêu cầu cán bộ trong ngành Tư pháp “chủ động hơn trong phản ứng chính sách”. Bởi ngành Tư pháp có công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, giúp thực hiện kịp thời, nhạy bén và phản ứng sát sao với thực tiễn.

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, ngành Tư pháp muốn mạnh lên phải xuất phát từ yếu tố con người. Vì thế, đổi mới trong tư duy cán bộ, mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo công tác tư pháp, tạo ra những chuyển biến cơ bản trên mọi lĩnh vực quản lý của ngành.

Cụ thể, khi Bộ trưởng Lê Thành Long “mạnh tay” cắt giảm đến 25% hội nghị, hội thảo và kết hợp nhiều nội dung thuộc nhiệm vụ của các đơn vị khác nhau trong một chuyến công tác địa phương, nhiều người thấy nghi ngại, nhưng sau 1 năm thực hiện mới thấy đó là hướng đi hoàn toàn đúng, tiết kiệm thời gian, nhân lực vật lực cho ngành mà vẫn bảo đảm yêu cầu công việc.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nỗ lực cải cách hành chính, tư pháp

Chia sẻ về điều trăn trở nhất, người đứng đầu Bộ Tư pháp nói, điều làm ông suy nghĩ nhiều nhất có lẽ vẫn là chính sách, chế độ đãi ngộ cho cán bộ trong ngành vẫn còn hạn chế dù thời gian qua cũng đã được cải thiện một phần. “Ngành Tư pháp còn nhiều khó khăn, anh em cơ sở dù yêu ngành yêu nghề nhưng vẫn còn lo toan nhiều về đời sống. Vì thế, phải làm sao động viên anh em kịp thời, trong thẩm quyền mình có thể cần tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ trong ngành cống hiến” – ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, còn một số trăn trở khác như chất lượng một số văn bản luật còn thấp, còn tình trạng nợ đọng thông tư của các Bộ, tình trạng nhiều bản án dân sự, hành chính chưa thi hành nghiêm… Đặc biệt liên quan đến đời sống người dân, còn tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực, việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn có sai sót, khiến dư luận bức xúc... Nhìn thẳng vào những tồn tại đó, Bộ trưởng cho rằng tìm cách tháo gỡ không chỉ từ một cá nhân, một ngành mà phải có sự đồng hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Nhận định năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp, có nhiều cơ hội và cả những khó khăn, thách thức, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những ưu tiên cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì việc đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua cũng được Bộ Tư pháp chú trọng.

Đồng thời, ưu tiên tạo cơ chế thuận lợi trong giải quyết những việc liên quan đến đời sống người dân. Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.