Phí bản quyền gần 10 tỷ đồng cho 2 đêm diễn của BlackPink
Ngày 21/7, một buổi làm việc giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với Công ty TNHH Âm nhạc IME (sau đây gọi tắt là Công ty IME - đơn vị tổ chức đêm diễn) liên quan đến việc thực hiện bản quyền chương trình biểu diễn show BlackPink đã diễn ra.
Biên bản làm việc giữa Công ty IME Việt Nam và VCPMC ngày 21/7.
Tuy nhiên, đến nay, hai bên chưa đi đến thống nhất. Trong biên bản làm việc, đại diện Công ty IME Việt Nam cho biết công ty này đang trao đổi với YG (công ty quản lý của nhóm BlackPink - PV) để xin giấy tờ nhưng chưa đủ.
Công ty muốn trao đổi về tiền nhuận bút, tìm phương án tính hài hòa để hai bên đi đến điểm chung. Trong khi đó, VCPMC muốn Công ty IME thống kê giá vé cụ thể để ra con số tính chính xác nhất.
Từ đó, VCPMC đưa ra một số phương án như sau:
Phương án 1 là tính theo biểu mức: 5% x 60% sức chứa (40.000 vé) x giá vé bình quân.
Phương án hai là 5% x tổng doanh thu của 20.000 vé.
Phương án ba là: 20.000 vé x giá vé x 5%.
Các phương án này chưa được ban tổ chức (BTC) show BlackPink đồng thuận.
Biên bản làm việc giữa Công ty IME Việt Nam và VCPMC hôm 26/7.
Trong buổi làm việc ngày 26/7, hai bên tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Phía Công ty IME trình bày khó khăn, vướng mắc do chuẩn bị cho buổi biểu diễn, công tác thủ tục pháp lý, làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, các công việc chuẩn bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng...
Đêm diễn Born Pink tại Hà Nội của BlackPink dự kiến diễn ra 2 đêm 29 và 30/7 tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Hiện tại, ê kíp bao gồm vũ công, đội ngũ kỹ thuật, ban nhạc đã đến Hà Nội, sẵn sàng cho đêm diễn.
Điều này dẫn đến việc liên hệ với VCPMC để chốt phương án thực hiện bản quyền tác giả của chương trình bị chậm, muộn.
Đại diện Công ty IME mong VCPMC chia sẻ, cảm thông về sự việc chậm trễ này.
Sau khi báo cáo với lãnh đạo, Công ty IME thống nhất chọn phương án 2 là: 5% x tổng doanh thu của 20.000 vé.
Phương án mà Công ty IME lựa chọn được tính như sau: 5% x (bình quân giá vé x sức chứa biểu diễn là 20.000 vé), tức là 5% x (5.350.000 x 20.000) đồng.
Như vậy, Công ty IME phải thanh toán 5 tỷ 350 triệu đồng cho một đêm diễn và 10 tỷ 700 triệu đồng cho 2 đêm diễn của BlackPink tại Hà Nội.
Sau đó, đại diện Công ty IME đề xuất VCPMC hỗ trợ giảm bớt tiền bản quyền 2 đêm biểu diễn trên và được đại diện VCPMC đồng ý hỗ trợ giảm từ 10-15% tổng giá trị 2 đêm biểu diễn.
Như vậy, phí bản quyền cho 2 đêm nhạc của BlackPink sau khi được hỗ trợ giảm còn từ 9 tỷ 95 triệu đồng đến 9 tỷ 630 triệu đồng.
Cuối cùng, VCPMC đề nghị Công ty IME báo cáo kết quả chốt phương án ra hợp đồng trước 15h ngày 26/7.
Chiều 27/7, VCPMC đã gửi văn bản yêu cầu thu hồi giấy phép biểu diễn của BlackPink tại Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được văn bản trên từ phía VCPMC, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã họp với một số đơn vị liên quan về vấn đề này.
Tuy nhiên, phía VCPMC phải đưa ra chứng cứ vi phạm của đơn vị tổ chức thì mới thu hồi được giấy phép.
Đại diện Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xác nhận đã nhận được văn bản của VCPMC và sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan giải trình theo yêu cầu của VCPMC.
Công ty Việt Nam "than trời" về cách tính tác quyền của VCPMC
Liên quan đến chuyện không đồng thuận về tiền tác quyền ở các show ca nhạc bán vé mà VCPMC đưa ra, mới đây 7 đơn vị sản xuất các chương trình ca nhạc tại Việt Nam đã gửi đơn lên Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Cục Bản quyền tác giả, Hội Nhạc sĩ Việt Nam - kiến nghị về việc tính phí tác quyền của VCPMC.
Trước lùm xùm giữa BTC show BlackPink tại Việt Nam và VCPMC, nhiều công ty sản xuất các chương trình ca nhạc tại Việt Nam không đồng tình với cách tính phí bản quyền của VCPMC.
Trong đơn kiến nghị, 7 đơn vị cho biết, năm 2018, VCPMC đã đưa ra Quyết định số 14/QĐ-TTBVQTGANVN (sau đây gọi là Quyết định số 14), về việc ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc.
Các đơn vị nói trên cho rằng, quyết định này đưa ra công thức tính bất hợp lý, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.
Cụ thể, 7 đơn vị nói VCPMC tự ban hành biểu mẫu tính khi chưa lấy ý kiến rộng rãi của các chủ thể chịu tác động. Công thức mà VCPMC đưa ra là: 5% x 70% số lượng ghế x bình quân giá vé.
"Với cách tính như vậy, VCPMC đã cố tình đẩy phí nhuận bút lên quá cao so với các nước phát triển.
Ví dụ: Một chương trình ca nhạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (3.500 ghế), có mức giá vé trung bình khoảng 1.8 triệu, với 20 ca khúc được biểu diễn thì mức phí được tính như sau: 5% x (3.500x70%) x 1.800.000đ = 220.500.000 đồng.
Như vậy, đơn vị tổ chức sẽ phải trả tiền tác quyền cho VCPMC khoảng hơn 10.000.000đ/ca khúc, tăng gấp 25 lần so với phí nhuận bút VCPMC và các đơn vị tổ chức đã thỏa thuận trong các Hợp đồng trước đó là 440.000 đồng/ca khúc (đã bao gồm thuế VAT)", văn bản kiến nghị của 7 công ty Việt Nam nêu rõ.
Từ những vấn đề này, 7 đơn vị nói trên kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu VCPMC thu hồi Quyết định số 14.
Đồng thời, kiến nghị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể biểu phí tác quyền âm nhạc phù hợp đời sống kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan trong việc thu phí thù lao, nhuận bút sử dụng tác phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức/ cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp phí tác quyền đúng quy định.
Sau 20 năm thành lập (2002-2021), VCPMC cho biết đã thu được 1.063,2 tỷ đồng phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Nội vụ đã có văn bản xác nhận đã nhận được đơn kiến nghị của 7 đơn vị sản xuất các chương trình ca nhạc tại Việt Nam.
Bộ Nội vụ đã chuyển đơn kiến nghị đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam để xem xét, giải quyết vấn đề nói trên.
Hiện, phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam chưa có phản hồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận