Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế còn nhiều bất cập |
Việc lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh “không phải đưa ra quy chế để mong muốn ai làm cũng phải xin phép tỉnh mà làm để nâng cao giá trị của bún bò Huế”, một lần nữa cho thấy sự lúng túng và bế tắc không chỉ của Huế mà còn của nhiều tỉnh, thành khác trong việc bảo hộ và khai thác vốn quý của địa phương.
Câu chuyện đăng ký các thương hiệu đặc sản địa phương, vùng miền... đã rất nóng trong vài năm trở lại đây mà hiện ở Việt Nam đang có ba dạng hiển thị chính là: Nhãn hiệu chứng nhận, Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể.
|
Chỉ dẫn địa lý do chính quyền đăng ký, hai loại còn lại do các tổ chức đứng ra đăng ký. Cho đến nay, các vùng miền trên cả nước đã xác lập được rất nhiều chỉ dẫn địa lý và các thương hiệu tập thể mang tên địa danh, như: Chè Tân Cương, Nước mắm Phú Quốc, Thanh long Bình Thuận, Gốm Bát Tràng…
Một số chuyên gia về đăng ký thương hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung cho hay, nhận thức và hành động về sở hữu trí tuệ của các địa phương đang thay đổi rất nhanh. Có những tỉnh đang xếp hàng chục đơn đăng ký liên quan đến các nhãn hiệu đặc sản, chỉ dẫn địa lý của địa phương... nhưng kiến thức về sở hữu trí tuệ còn hạn chế nên sẽ xảy ra nhiều chuyện khó xử cho tất cả các bên khi phát sinh tranh chấp.
Ví dụ như ở nước ngoài, thường chỉ có các tổ chức đại diện hợp pháp đứng ra đăng ký các thương hiệu mang tính chất vùng miền và tổ chức bảo vệ, quảng bá, khai thác chúng. Còn ở Việt Nam, điều đang “trái giò” là chính quyền lại hăng hái làm việc này. Hệ quả đầu tiên có thể thấy là khi xảy ra tranh chấp, chính quyền không được các toà quốc tế coi là đại diện hợp pháp cho việc tranh chấp các thương hiệu vùng miền. Giải pháp buộc phải làm là chính quyền phải uỷ quyền cho các hiệp hội đứng ra bảo vệ các thương hiệu vùng miền đã đăng ký. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước nhưng ra quốc tế lại thất bại vì đã bị “cướp” đăng ký nhãn hiệu. Cà phê Buôn Ma Thuột là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, việc này không quan trọng bằng câu chuyện “hậu đăng ký”. Tại nhiều cuộc gặp gỡ, chúng tôi có hỏi đại diện các địa phương sau khi đăng ký sẽ làm gì cho thương hiệu vùng miền đó thì câu trả lời thuyết phục hầu như không có. Nghĩa là đăng ký xong bỏ đó. Anh chị em luật sư tham gia đăng ký các thương hiệu vùng miền là những người quá biết chuyện này và họ gọi đó là “đăng ký đùa”.
Phải trải qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, mỗi địa phương mới sản sinh ra được các đặc sản truyền thống. Phương thức lan truyền dẫn tới sự nổi tiếng của các đặc sản này chủ yếu là “bằng miệng” (viral). Đến nay, ở thế kỷ của công nghệ số, sau khi đăng ký thương hiệu, có “cái bằng” treo đó, thì phương thức xây dựng và phát triển thương hiệu - buồn thay - vẫn chỉ là “nói miệng”.
Marketing, truyền thông hiện đại cung cấp cho con người một kho vũ khí “nóng” với vô số công cụ, vô số kênh truyền thông và giải pháp truyền thông hấp dẫn để quảng bá cho các thương hiệu. Biết đăng ký thương hiệu là quý rồi, nhưng nếu biết vạch kế hoạch quảng bá, khai thác, phát triển các thương hiệu đó thì còn quý hơn nhiều.
Chi phí để đăng ký thương hiệu vùng miền nếu là 1, thì chi phí để quảng bá, phát triển, khai thác nó có thể là hàng trăm, hàng ngàn đơn vị. Bù lại, những lợi ích cho kinh tế địa phương đó có thể là hàng triệu, hàng tỷ đơn vị.
Điều này dễ hiểu bởi sẽ có vô số doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương hay các địa phương khác cùng khai thác và chia sẻ nguồn lợi phát sinh do khai thác các thương hiệu địa phương nổi tiếng. Và có như vậy, những cốm làng Vòng, lụa Hà Đông, nón Huế, hồ tiêu Quảng Trị, nhãn lồng Hưng Yên, cà phê Buôn Ma Thuột... mới có sức sống bền bỉ và mang lại giá trị không chỉ cho chính người dân địa phương.
Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch NBN
>>>Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận