Chuyện dọc đường

Bùng phát xe trá hình có phải do thiếu luật?

04/04/2017, 08:10

Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình xe hợp đồng khiến các xe chạy tuyến cố định trong bến dần chết yểu.

9

Xe giường nằm của Thành Bưởi đỗ trong khuôn viên khu đất 419 đường Lê Hồng Phong (Q.10) của Công ty CP Giày Sài Gòn

Ngoài những quy định chung về tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện, mỗi chuyến xe xuất bến đều chịu sự kiểm tra rất chặt chẽ về an toàn, chấp hành các quy định của Nhà nước vì là xe chở người.

Xe tuyến cố định có lợi thế là tập trung khách tại một đầu mối ở các bến, từ đó vận chuyển đi các nơi. Nên doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội xây dựng thương hiệu để thu hút khách trên tuyến. Còn hành khách có nhiều sự lựa chọn cho chuyến đi phù hợp, khi đã lên xe chắc chắn có bảo hiểm, giá vé được kiểm soát, được đón, trả những nơi do Nhà nước quy định, đặc biệt là đảm bảo điều kiện ATGT và cháy nổ.

Còn xe hợp đồng nếu đúng nghĩa thì không phải để chở khách tại một vị trí nhất định và trên một hành trình đã được ấn định trước (đây là bản chất của tuyến cố định) mà chỉ hợp đồng chở khách không thường xuyên, hôm nay hợp đồng với đơn vị này, mai hợp đồng với đơn vị kia tại các địa điểm khác nhau. Theo quy định xe hợp đồng bị cấm bán vé, đặt chỗ khách lẻ dưới mọi hình thức, cũng không được thu tiền trực tiếp của từng hành khách và mỗi xe chỉ được ký một hợp đồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xe hợp đồng biến tướng theo dạng trá hình. Phù hiệu được cấp là xe hợp đồng nhưng đối tượng khách được vận chuyển như tuyến cố định. Khi đó, họ tranh thủ được lợi thế chạy tuyến để xây dựng thương hiệu hút khách, nhưng đồng thời lại trốn được sự kiểm soát gắt gao của xe tuyến cố định. Quan trọng hơn, xe hợp đồng trá hình không bị kiểm soát giá vé, có thể thu tiền mặt nên dễ trốn tránh được các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn thế, do xe không vào bến nên không phải nộp phí bến, trong khi đó có thể luồn lách vào các quận nội thành, trung tâm lập điểm đón trả khách nên thu hút khách đông hơn. Đây là lý do nhiều nhà xe cố tình vi phạm pháp luật để hoạt động nhằm kiếm siêu lợi nhuận.

Ở góc độ quản lý không thể để xe hợp đồng trá hình lộng hành. Bởi xe hợp đồng không chịu sự quản lý chặt chẽ, ít ràng buộc về điều kiện đảm bảo ATGT trước khi lăn bánh. Hơn thế, không thể để tính mạng con người “treo” trên đầu lợi nhuận của doanh nghiệp. Mới đây nhất (ngày 26/3), xe hợp đồng của Công ty TNHH Thành Bưởi chạy từ Đà Lạt về TP.HCM gây tai nạn ở Lâm Đồng làm 2 người tử vong. Vì là xe chạy hợp đồng trá hình nên khi xảy ra tai nạn, hành khách trên xe không được bồi thường bảo hiểm. Chưa kể nếu để xe trá hình bùng phát, sẽ gây mất trật tự ATGT tại các đô thị.

Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình xe hợp đồng khiến các xe chạy tuyến cố định trong bến dần chết yểu. Có ý kiến cho rằng, do luật còn lỗ hổng, nên doanh nghiệp có thể lách luật trong các loại hình vận tải. Nhưng thực tế cho thấy, với những quy định hiện hành trong Thông tư 63 và Nghị định 86 đã có thể chỉ ra sai phạm của những nhà xe chạy hợp đồng trá hình kiểu như Thành Bưởi. Bởi cũng với hành lang pháp lý này, chính quyền các nội thị tại Cần Thơ, Gia Lai, Kon Tum đã xử lý cơ bản xe hợp đồng trá hình, bến lậu. Mấu chốt là những người thực thi công vụ có muốn dẹp thực sự xe trá hình, bến lậu hay không mà thôi.

Đã đến lúc chính quyền địa phương, nhất là TP.HCM cần chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc thanh, kiểm tra (thay vì chỉ hô hào, chỉ đạo trên giấy) việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách du lịch và hợp đồng bằng xe ô tô, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm...

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là kinh doanh có điều kiện, bởi “Tính mạng con người là trên hết”. Phương tiện nào cũng dán dòng chữ ấy trên xe, nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước thì doanh nghiệp sẵn sàng đặt tính mạng hành khách đứng sau lợi nhuận của mình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.