Cứ mỗi dịp Tết đến, khắp các ngõ ngách, đường sá Việt Nam đều vang lên những âm điệu vui tươi, ấm cúng |
Có thể nói, sáng tác của cố nhạc sĩ Từ Huy dường như đã trở thành một ca khúc phải có trong mùa Tết đến xuân sang. Nhưng những câu chuyện xung quanh ca khúc này thì không phải ai cũng rõ.
Phỏng tác từ tiếng pháo
Những ngày này, dù trên truyền hình hay băng đĩa, đi đến đâu, người ta cũng dễ dàng nghe thấy giai điệu thân quen, rộn rã “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi”. Có lẽ, không người Việt nào lại không thuộc nằm lòng câu điệp khúc quen thuộc ấy của bài Ngày Tết quê em. Điều thú vị ít người biết đó là câu điệp khúc này được phỏng tác từ tiếng pháo.
Ngày Tết quê em là ca khúc được cố nhạc sĩ Từ Huy viết năm 1994. Trước đây, tiếng pháo là một âm thanh quen thuộc trong ngày Tết truyền thống của Việt Nam. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - người bạn thân thiết của nhạc sĩ Từ Huy chia sẻ, âm thanh pháo nổ “tách, tách, tách, tách, tách, đùng!” đã được Từ Huy lấy cảm hứng và ngân lên những câu hát đầu tiên “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi”. Được biết, bắt đầu từ ngày 1/1/1995, chỉ thị cấm sản xuất và đốt pháo của Nhà nước chính thức có hiệu lực nên nhạc sĩ Từ Huy đã muốn lưu lại một âm thanh quen thuộc và có dấu ấn riêng cho ca khúc của mình.
"Bài hát mang hơi hướng của người Việt Nam, truyền thống và gần gũi, dễ thuộc, thông dụng ở khu vực phía Nam là chính. Thực ra, bài hát ra đời cách đây quá lâu và trở thành một cái gì đó mang tính chất thường xuyên vào dịp Tết nên tôi không nhớ rõ mọi thứ khi đó. Nhưng tôi biết, đây là một tài sản quý giá mà ba mình để lại”. Anh Tạ Nguyên Phúc |
Không chỉ ca khúc Ngày Tết quê em, theo nhạc sĩ Tôn Thất Lập, một bài hát rất nổi tiếng khác là Mùa xuân ơi của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng lấy cảm hứng từ tiếng pháo Tết. Hai ca khúc đều do Tam ca Áo trắng thể hiện rất thành công.
Những năm 1990, nhạc sĩ Từ Huy và Nguyễn Ngọc Thiện là hai trong 7 thành viên của nhóm Những người bạn chơi khá thân với nhau. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện kể lại, năm ấy, ông phải làm chương trình xuân cho Hãng phim Phương Nam. Việc tìm những bài xuân khi ấy rất khó nên mỗi thành viên trong nhóm Những người bạn đều viết một bài xuân. Cuối cùng, nhạc sĩ Từ Huy đưa ra bài Ngày Tết quê em. Các bài hát đều được đưa vào một album chung của nhóm và sau đó, Ngày Tết quê em tạo thành một “cơn sốt” khắp thành phố.
Album phát hành sau dịp Giáng sinh năm 1994, nhưng khi nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cùng Từ Huy đi dạo đường phố vào 28 Tết năm ấy, khắp các shop bán hàng trên phố đều bật ca khúc này. Nguyễn Ngọc Thiện đã biết, bài hát của bạn mình được yêu thích và đã thành công. Lúc đó, trong lòng ông bỗng khao khát muốn viết một ca khúc thật thành công. Và bài hát Mùa xuân ơi ra đời năm 1995. “Tôi viết “Xuân xuân ơi…” chứ không dám dùng chữ Tết vì sợ “đụng hàng”, sợ Từ Huy bảo lấy ý tưởng của ông ấy”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện dí dỏm kể lại. Cũng từ sau thành công của Ngày Tết quê em, các nhạc sĩ cũng mạnh dạn viết nhiều ca khúc về mùa xuân hơn.
Tiền tác quyền thuộc hàng top
Anh Tạ Nguyên Phúc - con trai cố nhạc sĩ Từ Huy kể lại, Ngày Tết quê em nổi tiếng đúng những năm anh đang học cấp III. Bản thân anh khi đó rất tự hào vì ca khúc của cha mình đi đến đâu cũng được người ta hát, thuộc lòng. Trước đó, cha anh cũng có ca khúc Mong đợi ngậm ngùi rất nổi tiếng. Thế nhưng, Ngày Tết quê em lại đặc biệt hơn khi chỉ dùng vào dịp Tết nên mọi người dễ hình dung cụ thể khi nhắc tới dịp cuối năm. Bản thân anh cũng được bạn bè, thày cô ở trường phổ thông và Đại học quý mến một phần nhờ bài hát nổi tiếng của cha.
Đặc biệt, không chỉ trong nước mà cả kiều bào hải ngoại cũng rất thích bài này vì bài hát mang tới nhiều kỷ niệm. Lời bài hát gần như gói gọn hết những nét đặc trưng, những phong tục và ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết cổ truyền đối với người Việt Nam như “pháo xuân”, “đi sắm Tết”, “người đi thăm, đi viếng, đi chơi”, “đi lễ chùa” và “về chung vui bên gia đình”…
Cũng vì sự nổi tiếng ấy, ca khúc đã giúp gia đình nhạc sĩ Từ Huy có thêm một phần thu nhập, cũng là bài hát mà ông nhận được nhuận bút nhiều nhất thời điểm ấy. Theo anh Phúc, mỗi dịp Tết đến, nhiều công ty sử dụng nhạc hiệu này để làm quảng cáo, nhất là đài truyền hình. Đây có lẽ cũng là bài được sử dụng nhiều nhất, từ lúc ra đời cho tới nay vào những dịp cuối năm.
“Cha tôi là một trong những người khởi xướng việc bảo vệ tác quyền cho nhạc sĩ. Do đó, ông tham gia đăng ký với một đơn vị bảo vệ tác quyền nhưng không giao toàn quyền cho đơn vị ấy. Cả đơn vị và gia đình tôi đều có quyền với tác phẩm. Mẹ tôi là người đứng ra nhận và quản lý tác quyền bài hát sau khi cha qua đời. Có những người làm việc với trung tâm tác quyền, cũng có nhiều người ký hợp đồng trực tiếp với mẹ tôi. Tôi vẫn thấy nhiều người hay gửi hợp đồng về xin phép đổi lời tác phẩm để sử dụng cho quảng cáo”, anh Phúc chia sẻ.
Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, những năm khi bài hát ra đời, nhạc sĩ không có tiền tác quyền từ nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại như bây giờ mà lĩnh tiền bán băng cassette và video. Hồi ấy, nhạc sĩ Từ Huy nhận tiền video nhạc xuân 300 nghìn đồng, còn album cassette 120 nghìn đồng. Thời ấy, số tiền đó gấp hàng chục lần tiền lương của một cán bộ, công nhân viên. Còn hiện tại, nếu ca khúc Mùa xuân ơi của ông nằm trong top những ca khúc có tiền tác quyền lớn nhất vào quý I hàng năm, thì Ngày Tết quê em cũng trong top ấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận