Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định Phan Anh không vi phạm pháp luật khi cứu trợ cho đồng bào miền Trung |
Hành động hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt tại miền Trung của MC Phan Anh những ngày qua nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, số tiền bà con gửi về tài khoản của anh để chung tay giúp bà con vượt lũ lên tới gần hai mươi tỷ đồng.
Hiện tượng đặc biệt này khiến nhiều người lo ngại sự ủy thác quá lớn của bà con cho MC Phan Anh có khiến anh gặp rắc rối hay vi phạm các quy định hiện hành về làm từ thiện. Trên các trang mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng, cá nhân nhận ủy thác làm từ thiện với quy mô lớn là vi phạm các quy định về hoạt động nhân đạo đang khiến dư luận hết sức băn khoăn.
Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi tới Báo Giao thông thắc mắc: Cá nhân đi làm từ thiện có vi phạm pháp luật hay không? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico để làm rõ vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng MC Phan Anh vi phạm Nghị định 64/2008 hay Nghị định 147/2007 của Chính phủ về hoạt động nhân đạo, nhận định này có đúng không thưa luật sư?
Luật sư Trương Thanh Đức: Điều này không đúng. Các Nghị định trên áp dụng đối với các tổ chức chính trị, các tổ chức đoàn thể, xã hội, các cuộc vận động chính thức của pháp nhân đứng ra tổ chức nên đương nhiên phải quy định chặt chẽ để chống tham nhũng. Đây là những pháp nhân sinh ra chuyên làm từ thiện và phải chịu sự quản lý đúng chế độ kể, cả chịu thuế thu nhập phát sinh.
Vậy các cá nhân, nhóm người khi huy động nguồn tài trợ để mang đi cứu trợ có chịu sự điều chỉnh của quy định pháp luật nào không, thưa ông?
Luật sư Trương Thanh Đức: Các hoạt động nhân đạo mang tính tự phát, cá nhân như Phan Anh thực hiện dựa trên đạo đức của người thực hiện và lòng tin của người gửi. Còn hoàn toàn không có bất cứ quy định pháp luật nào chi phối.
Trong Khoản 1 của Nghị định 64 cũng nêu rất rõ: Nghiêm cấm cản trở, ép buộc bất kể cá nhân, tổ chức nào tham gia cứu trợ nhân đạo.
Cũng không có quy định nào quy định cá nhân, tổ chức thực hiện phải trao cho đối tượng nào hay phải có vốn đối ứng… Kể cả việc người tổ chức nhận được 100 triệu, bỏ ra 10 triệu đi lại. Một cá nhân sau khi nhận được tiền quyên góp có thể chuyển cho một cá nhân hay một tổ chức khác để thực hiện các khâu cứu trợ hoặc hỗ trợ nhân đạo cũng không ai có thể kiện được…
Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là câu chuyện lòng tin của người gửi với người đi trao. Nếu gian lận, gian dối thì lần sau người khác sẽ không quyên góp nữa.
Pháp luật có cần thiết phải có các quy định để minh bạch hóa hoạt động từ thiện cá nhân không thưa ông?
Luật sư Trương Thanh Đức:
Đã là làm nhân đạo thì trao xong là xong, không nên băn khoăn. Chuyển tiền là chuyển quyền sở hữu. Làm từ thiện đôi khi cũng theo cảm tính, không cần quy định.
Khi quyên tiền từ thiện, có người góp cả trăm triệu đồng nhưng không nêu tên. Nếu cứ đòi minh bạch, yêu cầu phải xác minh danh sách, yêu cầu phải kiểm toán là mang dây buộc mình. Bản thân người đứng ra làm từ thiện nếu thuê người làm cùng cũng nên đưa ra nguyên tắc hoặc yêu cầu họ không được cắt bớt, xà xẻo.
Từ chuyện MC Phan Anh làm từ thiện, dưới góc nhìn của một luật sư, cá nhân ông có cho rằng nên cổ vũ các cá nhân tham gia hoạt động từ thiện?
Luật sư Trương Thanh Đức: Thực tế thì số tiền huy động được lớn quá nên nhiều người lo lắng cho MC Phan Anh trong việc đứng ra thực hiện trọng trách mọi người gửi gắm. Cũng có những ý kiến nói xấu Phan Anh, bảo anh vi phạm quy định nọ kia, hay đánh bóng tên tuổi nhưng tôi cho rằng, Phan Anh là một điển hình tốt, rất nên cổ vũ.
Từ câu chuyện của Phan Anh, nhiều tổ chức, cá nhân khác sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để thu hút được nhiều hơn sự quyên góp ủng hộ nhằm thực hiện các mục đích nhân đạo.
Có thể lúc trước tôi không tham gia các hoạt động thiện nguyện nhưng vì có Phan Anh mà tôi lại quyên góp. Sự tích cực của xã hội dân sự ở chỗ đó. Nó khuấy động phong trào và có ý nghĩa thiết thực. Người làm từ thiện có tâm thì không phải cứ chỗ ô tô vào được thì nhận được 10 lần phát quà, còn chỗ khác khó khăn hơn thì không được. Cho nên, làm từ thiện, cá nhân hay tổ chức thì chúng ta đều mong mang lại ý nghĩa thực sự cho người đáng được hưởng chứ không phải làm theo phong trào.
Xin cảm ơn ông!
Luật sư Trương Thanh Đức: Phan Anh làm từ thiện không vi phạm các điều sau: 1. Không vi phạm quy định về kinh doanh trên mạng trái phép vì đây không phải là “hoạt động kinh doanh” theo quy định Luật Doanh nghiệp 2014; 2. Không vi phạm quy định về kinh doanh tiền tệ trái phép vì đây không phải là “hoạt động ngân hàng” theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; 3. Không vi phạm quy định về hoạt động quỹ trái phép vì đây không phải là “quỹ” theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 hay “công ty quản lý quỹ” theo quy định của Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi năm 2010; 4. Không vi phạm quy định về gian lận, trốn thuế vì đây không phải là khoản “thu nhập chịu thuế” thu nhập hoặc bất kỳ khoản thuế nào khác theo quy định của Luật Quản lý thuế 2006, sửa đổi năm 2012; Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi năm 2012… 5. Không vi phạm quy định về lừa đảo tài sản vì không có dấu hiệu “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác” theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009; 6. Không vi phạm quy định về lạm dụng tín nhiệm vì các nhà hảo tâm trao tiền rồi thì đã chuyển giao quyền sở hữu (không đặt điều kiện phải trả lại tiền), theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận