Một số nước trong khu vực ASEAN quan ngại về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin |
Tuyên bố chung AMM 49 dài 31 trang đề cập một loạt vấn đề từ kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh. Đặc biệt, nội dung tuyên bố có một phần riêng về Biển Đông dài 8 đoạn, trong đó bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn tiến gần đây cũng như tình hình hiện nay tại Biển Đông, ghi nhận những quan ngại của một số bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực bên trên Biển Đông.
Tuyên bố cũng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời nhấn mạnh việc thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm cả việc tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của các quan chức ASEAN và Trung Quốc và cuộc gặp của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 24/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định tầm quan trọng nhiều mặt của Biển Đông đối với các nước trong và ngoài khu vực; chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hệ lụy đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực; khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để các nước giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển LHQ năm 1982; khẳng định tầm quan trọng của việc ASEAN kiên trì lập trường chung đã có; kêu gọi các nước thực hiện kiềm chế, không quân sự hóa, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm đạt được COC và đề cập tới các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, đóng góp vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng ASEAN kể từ khi Toà trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, trong đó vô hiệu hoá “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với tuyên bố “đường chín đoạn” bao phủ gần hết tuyến đường thuỷ sinh lời hơn 5 nghìn tỉ USD/ năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận