BHD lựa chọn kiến trúc truyền thống của Việt Nam làm điểm nhấn cho cụm rạp mới khai trương |
Việc BHD, một trong những đơn vị điện ảnh tư nhân Việt Nam vừa khánh thành cụm rạp mới hiện đại tại một vị trí đắc địa là Trung tâm thương mại Vincom số 2 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cho thấy cuộc chạy đua, so găng giữa DN điện ảnh trong và ngoài nước ngày càng trở nên khốc liệt.
Hệ thống rạp doanh nghiệp nước ngoài áp đảo
Theo số liệu của Cục Điện ảnh, hiện cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu phim. Trong đó, các DN nội địa (Nhà nước và tư nhân) là 92 cụm rạp, còn cụm rạp DN nước ngoài là 46. Số lượng phòng chiếu là 510, trong đó, nội địa là 241, nước ngoài là 269 với sức chứa 86.500 ghế ngồi, trong đó, nội địa là 47.700 và nước ngoài khoảng 38.800.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy hệ thống rạp chiếu phim của các DN nước ngoài đang áp đảo khu vực nội địa. Trong đó, các hệ thống rạp chiếu của Nhà nước cũng gần như tê liệt hoặc hoạt động kém hiệu quả. Chỉ còn lại một số hệ thống rạp của DN tư nhân nội địa còn hoạt động tốt.
Câu chuyện 8 đơn vị kinh doanh điện ảnh Việt Nam gồm: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA gửi thư khiếu nại tới các cơ quan chức năng, phản ánh việc bị hệ thống rạp CGV chèn ép, thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp thời gian qua đã cho thấy, thị trường điện ảnh Việt đang bị các “ông lớn” nước ngoài nắm giữ, quyết định. Hiện nay, các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của CGV, bởi lẽ số lượng rạp của đơn vị này quá lớn (chiếm 40% tổng số rạp), nếu các nhà làm phim Việt không đồng ý, phim sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp CGV, đồng nghĩa với việc sẽ mất 40% doanh thu.
Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm cho biết, hiện thị trường rạp chiếu phim chủ yếu do các DN nước ngoài nắm. Họ cũng là những đơn vị phát hành nhiều phim của Mỹ và Hàn Quốc. Bởi vậy, những nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam đang phải chịu nhiều “bất lợi so với phim nước ngoài ở tại chính đất nước mình về tỷ lệ ăn chia, giờ chiếu, suất chiếu”.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khán giả, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự cạnh tranh lành mạnh giữa DN nội địa và nước ngoài thật sự tốt cho thị trường điện ảnh Việt Nam. “Chúng ta sẽ không lo thị trường Việt Nam bị khống chế bởi các tập đoàn nước ngoài mà nó sẽ buộc các công ty tăng chất lượng dịch vụ rạp chiếu phim của mình lên. Khán giả sẽ là người được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh này. Họ sẽ không quan tâm rạp của Việt Nam hay Hàn Quốc miễn là dịch vụ, chất lượng, âm thanh tốt hơn, người ta sẽ chọn rạp có chất lượng cao hơn”, ông nói.
Diện mạo hệ thống chiếu rạp Việt đang dần thay đổi
Nhờ cuộc chạy đua giữa các nhà đầu tư nội địa và quốc tế, thị trường chiếu phim Việt Nam phát triển đột biến cả số lượng rạp lẫn doanh thu bán vé; Thậm chí hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam được đánh giá hiện đại, đẳng cấp không khác gì thế giới.
Ngày 30/7, Công ty Galaxy cũng đã khai trương cụm rạp Galaxy Mipec Long Biên với hệ thống rạp hiện đại, đạt chuẩn Hollywood. Nơi đây gồm 7 phòng chiếu công nghệ 2D và 3D cùng hệ thống âm thanh Dolby 7.1 tiêu chuẩn quốc tế theo đúng tiêu chí “Mang Hollywood đến gần bạn”. Tiếp đến, cụm rạp BHD Star Cineplex (tại Trung tâm thương mại Vincom số 2 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) vừa khánh thành có quy mô 7 phòng chiếu kỹ thuật số 2D, 3D hiện đại với số lượng ghế ngồi từ 89 đến 219 chỗ mỗi phòng. Ngoài ra, điểm đặc biệt nhất của cụm rạp là sự ra mắt lần đầu tiên của phòng chiếu BHD Star First Class với phong cách phục vụ cao cấp 5 sao, bao gồm 24 ghế ngồi, với giá vé 250 nghìn bao gồm đầy đủ các tiện nghi và dịch vụ miễn phí.
Như vậy, đây là một hệ thống cụm rạp có thể “so găng” với các DN ngoại như CGV, Lotte… đầu tư tại thị trường Việt Nam. Giá không chỉ mềm hơn ghế giường nằm của các DN nước ngoài, mà hệ thống ghế ngồi tại rạp được thiết kế đặc biệt giúp người xem vẫn có không gian riêng tư và thoải mái, nhưng không gây ảnh hưởng tới những khán giả khác trong phòng chiếu. Tránh được chuyện các nam nữ thể hiện tình cảm thái quá.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD cũng cho hay, quan điểm của BHD là luôn coi các cụm rạp khác là đối tác, vì tất cả các cụm rạp đều quan tâm đến phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, là thương hiệu của Việt Nam, BHD Star cũng có những tiêu chí riêng. Cùng đó, để đáp ứng nhu cầu của khán giả yêu điện ảnh, BHD Star Cineplex có kế hoạch phát triển thêm nhiều cụm rạp hiện đại tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Ông Đỗ Duy Anh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, chính sách của nhà nước hiện nay rất khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia vào sự nghiệp phát triển điện ảnh. “Chính sách Nhà nước cởi mở, hợp lý phù hợp với tình hình thực tiễn để khuyến khích các DN có điều kiện bỏ tiền ra làm phim và xây dựng rạp chiếu phim”, ông Duy Anh nói.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận