Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN cứu hộ một nạn nhân bị tai nạn trên biển. |
Áo phao cất trong tủ khóa
Trao đổi với Báo Giao thông, Trưởng Phòng Phối hợp cứu nạn, thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I (HPMRCC) Đào Văn Hiển cho biết, trong quá trình kiểm tra, tuyên truyền pháp luật ATGT, nhiều ngư dân rất coi thường các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình đánh bắt. Ngay như việc sử dụng áo phao cứu nạn cũng chưa được các ngư dân coi trọng. “Chúng tôi đi kiểm tra và thấy rằng, nhiều ngư dân sau khi nhận áo phao là cho ngay vào... tủ khóa chặt trên tàu. Khi chúng tôi hỏi áo phao đâu, ngư dân mới vội đi tìm chìa khóa để mở tủ lấy. Đây là hành động rất thiếu ý thức trách nhiệm trong bảo đảm an toàn cho chính mình và các thuyền viên khác, bởi khi tàu gặp sự cố, chìm rất nhanh, sẽ không đủ thời gian để đi tìm... chìa khóa mở tủ lấy áo phao được”, ông Hiển nói và cho biết thêm, rất nhiều ngư dân hiện nay cũng chưa biết mặc áo phao sao cho đúng cách.
Họ nghĩ rất đơn giản chỉ cần khoác áo vào và khóa nút bấm là xong, mà quên mất hai dây đai vòng qua háng. Đây là hai dây rất quan trọng để giữ áo phao cố định trên người sao cho không bị xô lệch. Vì vậy, trong rất nhiều những cuộc tuyên truyền ATGT hàng hải tại các địa phương, các tuyên truyền viên phải hướng dẫn thực hành lại hết toàn bộ quá trình mặc áo phao đúng cách. Yêu cầu mỗi người trên tàu đều phải trang bị một phao áo. Tàu phải có đủ phao áo cứu sinh cho những người trực ca để sử dụng. Các phao áo cứu sinh phải bố trí sao cho dễ đến, dễ lấy, không bỏ trong tủ khóa.
Những lưu ý khi phải xuống nước Nếu phải xuống nước cần lưu ý những điểm sau: Mặc nhiều quần áo sẽ giảm phản ứng ban đầu khi ngâm trong nước lạnh và giảm cơ hội gặp phải các vấn đề về tim mạch; Mặc quần áo bảo vệ sẽ giảm rủi ro do tốc độ lạnh của da chậm và do đó giảm những phản ứng ban đầu. Người không mặc quần áo sẽ mất nhiệt nhanh hơn ở dưới nước 5 lần so với trên không khí ở cùng một nhiệt độ. Nếu bị các phản ứng ban đầu, cố gắng giữ yên khoảng vài phút khi ở trong nước, vận động càng ít càng tốt cho tới khi kiểm soát lại được hơi thở, áo phao hoặc các vật nổi khác. Đừng cố bơi, trừ khi để tiếp cận những người cùng sống sót hoặc bờ biển gần hoặc các vật nổi khác mà ta có thể nắm lấy hoặc trèo lên. Bình tĩnh, đánh giá các chọn lựa. Liệu có thể vào bờ hoặc với tới các vật nổi không và nên biết rằng khả năng bơi của của bạn sẽ giảm hơn so với bình thường. Nếu không, hãy ở nguyên tại chỗ để bảo toàn năng lượng và chờ người đến cứu. Tuyệt đối không được uống nước biển vì khi uống nước mặn sẽ làm cho cơ thể nhanh mất nước, nếu có nước ngọt phải tiết kiệm. Bạn cần phải giữ bất động trong nước, thổi còi hoặc kêu to để gây chú ý, nhưng đừng vẫy tay trừ khi mặc áo phao hoặc có các vật khác hỗ trợ nổi. |
Kéo dài sự sống khi bị rơi xuống biển
Cũng theo ông Đào Văn Hiển, để đảm bảo an toàn khi đi đánh bắt trên biển, các tàu thuyền nên tổ chức đánh bắt theo tổ, nhóm, không đánh tại nơi đầu luồng và trên luồng hành trình của tàu biển. Khi đánh bắt thủy sản phải thường xuyên liên lạc, hỗ trợ nhau, tự cứu nhau khi gặp nạn, sự cố trên biển trước khi có lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp tới hỗ trợ. Thuyền trưởng phải đảm bảo đã hướng dẫn thuyền viên trên tàu cá thực hiện các quy định về an toàn khi làm việc, không chạy cắt luồng tàu biển, cắt mũi tàu, cử người quan sát khi tàu hoạt động trên biển nhất là trên những tuyến hành trình của tàu biển, ban đêm phải có đèn. Am hiểu các tín hiệu đèn, còi của tàu hàng để có thể chủ động tránh va trên luồng cũng như trên biển. Phải dự tính trước được những điểm có thể vào trú gió, bão khi đang hoạt động trên biển.
“Một trong những lý do chính xảy ra đâm va là do bất cẩn, thiếu chuyên môn và thiếu trao đổi thông tin”, ông Hiển nói và khuyến cáo, trong trường hợp tàu gặp nạn và cần trợ giúp, thuyền trưởng và các ngư dân cần liên lạc ngay với các đài thông tin duyên hải theo tần số đã được hướng dẫn. Trường hợp khẩn cấp và thấy có tàu từ xa, phải sử dụng ngay đến pháo hiệu. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện kinh tế nên rất ít thuyền trưởng tàu đánh cá mua pháo hiệu, dù mỗi quả pháp rất rẻ chỉ khoảng 300.000 đ/1 quả.
“Trong tất cả các đợt tuyên truyền, chúng tôi đều hướng dẫn và vận động ngư dân mua pháo hiệu để sử dụng khi không may gặp nạn. Loại pháo dù ánh sáng đỏ có thể bắn lên độ cao tối thiểu 300m và cháy trong quá trình rơi xuống; việc hạ thấp độ cao được điều khiển bằng dù với tốc độ 5m/s, sẽ khiến các tàu từ khoảng cách vài hải lý có thể phát hiện và cứu nạn được”, ông Hiển nói và cho biết, trong mọi trường hợp, thuyền trưởng phải là người quyết định xem có nên rời tàu hay không, vì tàu là phương tiện cứu sinh an toàn nhất.
Tuy nhiên, khi tàu chìm và buộc phải bỏ tàu, để kéo dài sự sống trên biển chờ tàu cứu hộ, người bị nạn hãy cố gắng tránh xuống nước lạnh. Trường hợp phải xuống nước nên xuống từ từ, xuống từ điểm càng thấp càng tốt. Khi xuống nước lạnh nhiệt độ cơ thể sẽ bị mất rất nhanh và phản ứng ban đầu sẽ không giữ được hơi thở; thở khó nhọc và không kiểm soát được hơi thở; Tăng áp lực lên tim.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận