Đường bộ

Cách nào hủy, chuyển đổi tài khoản thu phí không dừng?

04/08/2022, 19:00

Nhiều chủ phương tiện mua lại xe cũ hay đổi chủ không biết cách hủy tài khoản thu phí không dừng, sử dụng dịch vụ nhà cung cấp khác.

Sau khi chỉ có thu phí tự động không dừng trên cao tốc đã phát sinh nhiều lỗi. Trong đó, xuất hiện tình trạng nhiều chủ phương tiện mua lại xe, đổi chủ xe, khi lưu thông mới biết xe đã được dán thẻ và có tài khoản ETC. Khi đi vào cao tốc không qua được trạm do thẻ đã bị hỏng hay tài khoản không đủ tiền.

Nhiều chủ phương tiện muốn hủy hay thay đổi nhà cung cấp dịch vụ nhưng lại không biết cách thức chuyển đổi tài khoản hay phải đi hàng trăm km phải chạy xe về điểm dán để hủy.

img

Nhân viên Công ty VETC

Anh Minh Nhật (Hà Nội) cho biết, anh mua lại chiếc xe tờ năm 2020, chưa bao giờ đăng ký dán thẻ và trên xe cũng không dán thẻ nào. Khi biết có chủ trương xe phải dán thẻ mới được vào cao tốc, anh đi đăng ký dán thẻ thì được báo xe đã đăng ký trên hệ thống và tài khoản không còn đủ tiền.

Không muốn sử dụng thẻ chủ cũ đã dùng, anh muốn huỷ thẻ đổi sang nhà cung cấp dịch vụ khác nhưng được yêu cầu phải đến địa điểm dán thẻ để đăng ký huỷ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Huy (Ba Đình, Hà Nội) lần đầu tiên đưa ô tô cũ vừa mua ở Gara đi dán thẻ thu phí không dừng nhưng bị từ chối. Sau khi kiểm tra, anh được hệ thống thông báo phương tiện của anh đã đăng ký thẻ ePass. Anh Huy rất bất ngờ trước thông tin này và muốn hủy tài khoản cũ nhưng không biết chủ xe cũ ở đâu để hỏi thông tin.

Lý giải về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ VN, hiện tượng này do chủ mua lại xe, chủ cũ đã dán thẻ nhưng bóc đi và không hủy tài khoản đã có; hoặc chủ xe đăng ký tài khoản từ lâu nhưng không nhớ. Các chủ xe này muốn đăng ký dịch vụ ETC với đơn vị cung cấp mới thì phải hủy tài khoản "ảo".

Từ ngày 1/8, 10 cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến, bỏ làn hỗn hợp. Các trạm BOT trên quốc lộ sẽ chỉ còn một làn thu phí hỗn hợp. Chủ ôtô sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng nếu đi vào làn không dừng mà không sử dụng dịch vụ ETC. Hiện cả nước có 3,2 triệu xe dán thẻ, chiếm 70% tổng số ôtô.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, chủ phương tiện tải App (phần mềm) của VETC trong đó có mục khóa tài khoản, chủ phương tiện lựa chọn và khóa tài khoản đã có trước đó hoặc có thể gọi đến tổng đài, nhà cung cấp dịch vụ sẽ khóa cho chủ phương tiện. Sau đó, chủ xe làm thủ tục để được cấp tài khoản giao thông mới do mình đứng tên mà không cần dán lại thẻ.

"Muốn hủy tài khoản để đổi nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần có bản cam kết chuyển đổi và có giấy đăng ký xe, căn cước công dân. Sau đó chủ xe liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để kiểm tra, hoàn thiện các công việc tiếp theo", ông Vinh cho hay.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng rà soát, liên hệ với các chủ phương tiện đã dán thẻ lâu ngày, các trường hợp hay gặp sự cố về nhận diện thẻ, xử lý kịp thời.

Trong trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu dán thẻ nhưng nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra xe đã bị kích hoạt trước đó cần đề nghị chủ phương tiện liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ đã kích hoạt tài khoản để được hoàn thiện việc dán thẻ.

Nếu chủ phương tiện không đồng ý sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ đã kích hoạt tài khoản thì được quyền liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ còn lại để được dán thẻ, mở tài khoản và phải có bản cam kết về việc chủ phương tiện chưa từng đăng ký sử dụng dịch vụ và chưa dán thẻ.

Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tra soát và không thực hiện với các trường hợp tài khoản giao thông liên kết Viettelpay hoặc tài khoản đã phát sinh giao dịch ETC tại trạm; bố trí nhân viên trực tổng đài để trả lời khách hàng và hỗ trợ dán thẻ kịp thời.

Định kỳ hàng tuần, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổng hợp danh sách phương tiện chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ gửi cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí còn lại và Tổng cục Đường bộ VN. Sau khi tiếp nhận danh sách, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tiến hành thủ tục hủy tài khoản trên hệ thống của mình không quá 5 ngày làm việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.