Thị trường

Cách nào quản thị trường ô tô nhập khẩu?

07/11/2016, 10:22
image

Từ 1/7/2016, Thông tư 20 của Bộ Công thương quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô hết hiệu lực.

13

Một cửa hàng bán ô tô nhập khẩu

Từ 1/7/2016, Thông tư 20 của Bộ Công thương quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay những vấn đề liên quan đến ô tô nhập khẩu vẫn đang bỏ ngỏ. Vấn đề này cần được thay đổi như thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng vừa đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật khi chiếc ô tô nhập khẩu chạy trên đường...

Kỳ 1: Nhiều rủi ro khi mua xe không chính hãng

Ô tô là sản phẩm có thời hạn sử dụng dài, ảnh hưởng tới an toàn, tính mạng của người sử dụng cũng như ATGT, môi trường. Do vậy, việc triệu hồi, bảo hành, bảo dưỡng là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của nhà cung cấp cũng như chủ xe.

Chưa nhà nhập khẩu không chính hãng nào triệu hồi xe

Trong vòng 1 năm kể từ trung tuần tháng 10 vừa qua, hãng xe Đức Audi tiến hành triệu hồi toàn bộ các xe Audi A8L 4.2 FSI để kiểm tra và thay thế van (điện từ) điều khiển mạch điện bộ giải nhiệt hộp số của xe.

Từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Audi Việt Nam xác định có 12 xe Audi A8L 4.2 trong diện ảnh hưởng cần được kiểm tra, thay thế van (điện từ). Trong đó, 8 xe được nhập khẩu chính hãng bởi Công ty TNHH Ô tô Á Châu - Nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam. Còn lại 4 xe được nhập khẩu không chính hãng bởi các DN nhập khẩu bên ngoài.

Thủ tướng: Phải có biện pháp thay thế khi bỏ thông tư 20 

Tại cuộc họp với các thành viên Chính phủ ngày 31/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực nhưng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội. Đặc biệt, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước. ”Các bộ, ngành cần thống nhất các ý kiến và đồng thuận về Thông tư 20. Thông tư 20 có những việc không tốt, nhưng nếu bỏ đi thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn”, Thủ tướng chỉ đạo. Thủ tướng cũng cho rằng, mở cơ hội kinh doanh nhưng cũng phải có biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước phát triển. “Không thể biến hàng chục triệu hộ gia đình thành các hộ kinh doanh ô tô được. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quản lý tốt được thị trường và các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, giá cả và các hoạt động trốn thuế nếu phát sinh”, Thủ tướng nêu rõ.

C.Sơn

Audi Việt Nam cho biết, đã liên lạc với từng khách hàng, mời họ tới thực hiện các biện pháp kiểm tra thay thế miễn phí. Ngoài 8 khách hàng mua chính hãng, 3 trong số 4 khách mua Audi A8L 4.2 của các DN nhập khẩu bên ngoài cũng liên hệ với Audi Việt Nam để đề nghị được kiểm tra và thay van. Điều đáng chú ý là cả 3 chủ xe trên đã đến đại lý nơi mua xe nhưng không được hưởng dịch vụ chăm sóc, nên buộc phải tìm đến Audi Việt Nam và trong trường hợp này sẽ phải trả tiền sửa chữa, thay thế.

Trước đó, đầu tháng 6, Trường Hải triệu hồi hơn 10.000 xe Mazda 3 All New 1.5L xuất xưởng từ ngày 9/12/2014 để kiểm tra và khắc phục hiện tượng đèn cảnh báo kiểm tra động cơ bật sáng. Toàn bộ xe thuộc diện triệu hồi sẽ được Trường Hải kiểm tra, sửa chữa và khách hàng không phải trả chi phí.

Hồi tháng 7 vừa qua, Honda Việt Nam thông báo triệu hồi gần 10.000 ô tô bị lỗi túi khí; Gần nhất, đầu tháng 9 vừa qua, hãng xe Ford cũng triệu hồi 1.580 chiếc xe van Transit tại Việt Nam liên quan đến lỗi ở hệ thống trợ lực lái…

Việc triệu hồi sản phẩm hay bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là một yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm có thời gian sử dụng lâu dài, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn, tính mạng của người sử dụng cũng như ATGT, môi trường như ô tô. Khi phát hiện sản phẩm có lỗi, nhà sản xuất sẽ thông báo toàn cầu và thông qua các đại lý phân phối chính thức triệu hồi để khắc phục, sửa chữa, thay thế nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn của người sử dụng và toàn bộ chi phí này do hãng chi trả.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải người mua xe nào cũng được hưởng trọn vẹn quyền lợi này mà trường hợp một số khách hàng mua xe Audi A8L 4.2 kể trên là một dẫn chứng. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt  Nam (VAMA) cho biết: “Chúng tôi chưa thấy nhà nhập khẩu không chính hãng nào tiến hành triệu hồi xe”.

14

Xe được đơn vị nhập khẩu chính hãng triệu hồi, sửa chữa miễn phí

Qua thời chỉ cần gõ búa, vặn cờ-lê

Theo một đơn vị nhập khẩu xe chính hãng, chi phí đầu tư một điểm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng không dưới 15 tỷ đồng, với xưởng bảo dưỡng, bảo hành xe sang thì chi phí sẽ lên tới hơn 20 tỷ đồng. Điểm dịch vụ này được đầu tư trang thiết bị, trong đó có những trang thiết bị đặc thù mà chỉ các hãng mới có. Bên cạnh đó, là đội ngũ thợ và nhân viên được đào tạo bài bản. “Khách hàng mua xe của chúng tôi sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ này”, đại diện đơn vị này nói.

Xem thêm video:

Ô tô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có khả năng gây mất an toàn (thuộc nhóm 2) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm 2007. Vì vậy, các ý kiến đều cho rằng, công tác bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải được bảo đảm theo các điều kiện nghiêm ngặt của chính hãng để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành. Hơn thế, bảo hành, bảo dưỡng ở cơ sở đủ điều kiện không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của chủ xe nhằm đảm bảo phương tiện luôn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2015, xe ô tô là sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ phải thu hồi khi hết hạn sử dụng, trong đó quy định nghĩa vụ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và kinh doanh ô tô phải có trách nhiệm thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư 36/2015/TT-TNMT yêu cầu các sản phẩm thải loại, trong đó có sản phẩm thải loại của xe ô tô như ắc quy, lốp xe… phải được thu hồi và đơn bị bán xe phải chịu trách nhiệm. Thực tế lâu nay, việc thu hồi chỉ được thực hiện qua các đại lý chính thức. 

Một kỹ sư ô tô hoạt động lâu năm trong mảng thiết kế, thử nghiệm và chứng nhận xe cho hay, các xe ô tô bây giờ đều sử dụng công nghệ mới. Đơn vị tư nhân nhập khẩu xe về thì khi có chiến dịch triệu hồi sẽ không đủ năng lực để khắc phục vì phải được hãng chuyển giao công nghệ xử lý, phải có linh kiện thay thế, phần mềm kiểm soát lỗi… “Thời buổi này không phải cầm búa gõ hay cờ-lê vặn vài cái là xong mà phải có phần mềm bản quyền, nếu không sẽ không sửa được. Xe nhập khẩu ngoài, xe quà biếu khi bị lỗi ai xử lý và bảo vệ người tiêu dùng?”, vị kỹ sư nói.

Ông này đặt vấn đề, một chiếc xe nếu bị lỗi ở Mỹ được nhập không chính hãng về Việt Nam, đang đi trên đường gặp tai nạn, túi khí không bung dẫn tới thương vong cho lái xe, những người ngồi trên xe, thậm chí cả những người tham gia giao thông khác thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Do đó, với quan điểm lựa chọn giữa giá rẻ (mua xe không chính hãng) với dịch vụ hậu mãi (mua xe chính hãng), vị chuyên gia này cho rằng: “Không thể đặt cược tính mạng của mình và người thân của mình vào đó được”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.