Ảnh minh họa |
Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2018 có những con số rất ấn tượng về tăng trưởng GDP và mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm nợ công. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng mục tiêu Chính phủ đặt ra là sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đến năm 2020.
Nhìn lại 3 năm qua, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc lớn, đặc biệt về cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy tất cả nguồn lực trong nước và các nguồn đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, tăng trưởng kinh tế thời gian qua rất ổn định. Với đà này, tới đây nếu chúng ta làm tốt hơn công tác xây dựng thể chế, khơi thông nguồn lực, hoàn toàn có thể hy vọng tăng trưởng ở mức cao hơn.
Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập việc chúng ta bị đánh tụt 3 bậc trong chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Việc này một phần do thế giới đang có cách thức đánh giá năng lực cạnh tranh thay đổi một chút. Nhưng rõ ràng cũng phải thấy rằng, khi chúng ta tiến thì thế giới cũng không đứng yên, vì vậy, phải xem xét khách quan hơn và có cách làm tốt hơn.
Hiện nay, ở tầm vĩ mô, Chính phủ làm rất quyết liệt nhưng một số địa phương, bộ ngành vẫn còn rào cản rất lớn, đặc biệt rào cản về mở rộng năng lực và thu hút đầu tư của dân doanh, của các DN trong nước.
Góp phần vào những con số ấn tượng trong tăng trưởng GDP, thực chất có đóng góp không nhỏ của khối DN FDI. Vì thế, phải một mặt làm sao có môi trường tốt, chính sách tốt để giữ chân họ, mặc khác phải mở rộng hơn, dựa vào yếu tố nội lực thì mới có thể giữ được tăng trưởng bền vững.
Để làm được việc đó, chúng ta cũng đang nỗ lực với kết quả bước đầu như tái cơ cấu DNNN, song kết quả như mong muốn thì vẫn chưa đạt được. Trong khi các nền kinh tế ngoài Nhà nước cũng đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng trên 40%, thì các DN trong nước vẫn còn quy mô nhỏ, thiếu bền vững. Nếu không có tác động để các DN trong nước hoạt động hiệu quả hơn thì đó sẽ là thách thức. Bởi, chỉ khi các DN trong nước phát triển tốt hơn mới là động lực chính và bền vững để duy trì phát triển kinh tế, tạo nguồn thu chính cho NSNN.
Ngoài tái cơ cấu DNNN, cũng phải sử dụng tốt nguồn thu lại từ cổ phần hoá DNNN để đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Trong đó, đặc biệt phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN, hỗ trợ DN trong nước thực sự có điều kiện phát triển. Khi đó ta sẽ có nền kinh tế phát triển ổn định, đi lên bằng nội lực.
Một trong những công việc trọng tâm bên cạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bởi nếu làm thực chất được các công việc này, chúng ta sẽ để ra được một khoản lớn chi cho đầu tư phát triển.
Đỗ Văn Sinh
(Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận