Quá trình rà soát những điều kiện nào không phù hợp với Luật Đầu tư, gây khó khăn cho việc gia nhập thị trường,doanh nghiệp không thể thực hiện được sẽ cắt bỏ ngay trong năm nay. (Trong ảnh: Bến xe Mỹ Đình) - Ảnh: Tạ Tôn |
Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn, bởi đợt rà soát này vẫn mang tính cơ học và kỹ thuật, có những điều kiện chưa phải cắt bỏ mà mới chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Theo tôi, Bộ GTVT nên mạnh dạn cắt giảm, coi nó là cuộc cải cách thể chế, thực sự gỡ bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh. Muốn làm được phải có chủ thuyết.
Chủ thuyết có thể hiểu là việc bãi bỏ này không chỉ nhìn vào phân mạch mà quan trọng nhất là phải có quan điểm rõ ràng đối với hoạt động kinh doanh. Khi rà soát, không chỉ đặt vấn đề xem những điều kiện này cái nào cần bãi bỏ, cái nào không, mà cần phải đặt vấn đề rộng hơn là ngành nghề kinh doanh này có cần điều kiện kinh doanh không; nếu cần thì là điều kiện gì. Từ đó, đối chiếu với cái mình đang quy định hiện nay để bãi bỏ.
Cách tư duy hiện nay mới là nhìn vào tổng thể những gì đang có để bãi bỏ đi càng nhiều càng tốt, là chưa đạt đầy đủ mục tiêu đề ra. Còn nếu tư duy rộng hơn, có thể sẽ phải bỏ hết những điều kiện hiện hành để thay thế bằng một, hai điều kiện mới. Thực sự đó mới là điều kiện cần để giúp chúng ta quản lý mà không tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tôi có đề cập tới tư duy cởi mở. Điều này có nghĩa là phải tính đến sự phát triển của KHCN, phương thức, hình thức, cách thức kinh doanh mới, khác hoàn toàn với cách thức, hình thức kinh doanh truyền thống. Quan điểm của tôi là phải chấp nhận chứ không phải tẩy chay, cấm đoán hay áp nó vào mô hình cũ.
Cắt giảm hàng loạt điều kiện có tác động tới công tác quản lý vận tải không? Theo tôi, việc cắt giảm phải hiểu một cách sâu xa là để chúng ta thay đổi cả phương thức quản lý, thay đổi cả một cách thức tổ chức bộ máy, công cụ quản lý. Ví dụ trước đây, chúng ta quản lý bằng giấy phép, nay giấy phép gỡ thì phải có công cụ quản lý mới, cách thức quản lý, đo lường, đánh giá mới. Nếu chỉ dừng ở bãi bỏ giấy phép mà không có công cụ quản lý mới, đến một lúc nào đó mục tiêu quản lý sẽ không đạt được. Như vậy, điều đó có thể trở thành cái cớ để chúng ta quay lại với phương thức cũ. Tức là cải cách mà không có công cụ, không thay đổi sẽ tạo ra bất cập cho xã hội.
Theo tôi nhìn nhận, cắt giảm điều kiện kinh doanh chỉ là một phần trong cải cách điều kiện kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ điều kiện kinh doanh chỉ là một phần công việc, kèm theo đó là phải chủ động xây dựng hệ thống quản lý mới với thay đổi cách thức tổ chức bộ máy mới, thiết kế công cụ mới, tiêu chí mới, cách thức và đo lường mới.
PHAN ĐỨC HIẾU
Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận